VIỆT NAM
Việt Nam là nước có dân số đông, diện tích đất hạn hẹp, vì vậy công tác quy hoạch sử dụng đất sao cho hiệu quả, hợp lý, ổn định, bền vững luôn là một trong những đòi hỏi khách quan.
2.3.1.Thời kỳ trước năm 1987
Năm 1960 khi chuẩn bị xây dựng và công bố kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) cả nước đang bước vào thời kỳ hừng hực khí thế xây dựng đất nước mà trước hết là phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, sử dụng tốt quỹ đất đai. Chính vì vậy mà công tác phân vùng quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, đã được đặt ra ngay từ những năm 1960 này. Do đó có thể nói “quy hoạch sử dụng đất đai cũng đồng thời được đặt ra (chính xác là năm 1962), các bộ ngành chủ quản, các tỉnh, huyện đã có những điều chỉnh về sử dụng đất cho các mục đích giao thông, thuỷ lợi, xây dựng kho tàng, trại chăn nuôi, bến bãi, nhà xưởng… mang tính chất bố trí sắp xếp lại việc sử dụng đất cũng chỉ mới được đề cập như một phần nội dung lồng ghép vào các phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, các phương án sản xuất hay công trình xây dựng cụ thể nào đó cho những mục đích đơn lẻ” .
Trong bối cảnh cả nước có chiến tranh cho tới khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, quy hoạch sử dụng đất đai chưa có điều kiện tiến hành theo một nội dung, phương pháp, trình tự thống nhất trong phạm vi một cấp vị lãnh thổ nào đó. Mặc dù vậy với tư cách là một phần nội dung của các phương án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai đã tạo ra những cơ sở có tính khoa học cho việc tính toán các phương án sản xuất có lợi nhất. “Nó là một yêu cầu không thể thiếu được đối với các nhà quản lý sản xuất nông nghiệp ngay cả ở cấp vị một Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ này”.
Từ năm 1975 - 1981 là thời kỳ triển khai hàng loạt các nhiệm vụ điều tra cơ bản trên phạm vi cả nước. “Vào cuối năm 1978 lần đầu tiên đã xây dựng được các phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản của cả nước, của 7 vùng kinh tế và của tất cả 44 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương trình Chính phủ xem xét phê duyệt”
Thực tế lúc bấy giờ cho thấy các thông tin, số liệu, tư liệu đo đạc bản đồ phục vụ cho quản lý đất đai nói chung và cho quy hoạch sử dụng đất đai nói riêng là vừa thiếu, vừa tản mạn lại vừa khập khiễng, làm cho độ tin cậy về quy mô diện tích, vị trí cũng như tính chất đất đai tính toán trong các phương án này không được bảo đảm. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy việc Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất (Nghị quyết số 548/NQ/QH ngày 24/5/1979 của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội về thành lập Tổng cục Quản lý ruộng
đất; Nghị định số 404/CP ngày 09/11/1979 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý ruộng đất).