Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất và đề xuất một số giải pháp trên địa bàn thành phố cẩm phả, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2014 2018 (Trang 46 - 50)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng đến việc thực hiện các

4.1.2. Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên đất

Theo báo cáo thuyết minh, bản đồ thổ nhưỡng nông hóa do viện Quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp thực hiện năm 2004, thành phố Cẩm Phả chia thành 8 nhóm đất như sau:

* Nhóm đất phù sa (P): Chủ yếu ở vùng trũng, thấp, được bồi đắp bởi phù sa của sông và phù sa biển có diện tích 459 ha, chiếm 1,34% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Quang Hanh, Cẩm Thạch, Mông Dương, Dương Huy, Cộng Hòa. Nhóm đất phù sa được chia làm 2 đơn vị đất sau:

- Đất phù sa được bồi chua (Pbc): Đất này được hình thành do sự bồi đắp phù sa của các con sông, suối, ít có sự phân hóa, đất thường có màu nâu hoặc màu nâu nhạt, đất có độ phì nhiêu khá.

- Đất phù sa không được bồi chua glây sâu (Pc): Đất được hình thành do sự bồi đắp phù sa sông hoặc phù sa biển, đất thường có màu nâu xám hoặc xám nâu,

xuống các tầng dưới có màu xám nhạt hoặc xám vàng loang lổ, thành phần cơ giới của đất từ thịt trung bình đến thịt nặng ở lớp đất mặt, xuống sâu các tầng dưới có nơi thành phần cơ giới là cát pha, đất phù sa không được bồi chua hiện nay đang được sử dụng trồng lúa hoặc lúa màu.

* Đất glây (GL): Diện tích 30,1ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Cộng Hòa và Quang Hanh.

Đất glây được hình thành từ các vật liệu không gắn kết, trừ các vật liệu có thành phần cơ giới thô và trầm tích phù sa có đặc tính phù sa. Đặc tính glây mạnh ở độ sâu 0 – 50 cm, nhóm đất này có đặc tính glây chua.

* Đất vàng đỏ (Fv): Diện tích 26.405,64 ha, chiếm 78,65% diện tích tự nhiên, phân bố ở hầu khắp các phường xã. Đất vàng đỏ được hình thành trên các loại đá mẹ khác nhau như phiến sét, phiến thạch, sa thạch. Hình thái phẫu diện đất thường có màu vàng đỏ hoặc vàng nhạt, tầng đất hình thành dày hay mỏng thường chịu tác động tổng hợp của các yếu tố hình thành đất.

* Đất tác nhân (NT)

Đất tác nhân là loại đất đã bị biến đổi sâu sắc hoặc bị chôn vùi do tác động của con người, sự di chuyển hoặc xáo trộn lớp đất mặt, đào và đắp, đã làm thay đổi đặc điểm của đất so với ban đầu hiện có của nó. Nhóm đất này có 2 đơn vị đất là:

- Đất ruộng bậc thang vùng đồi núi (NT-ct): Dưới tác động của con người khai thác biến đất đồi núi thành ruộng bậc thang để trồng lúa hàng năm, đã làm thay đổi tầng đất mặt, thay đổi 1 số tính chất lý học lẫn hình thái phẫu diện.

- Đất bãi khai thác mỏ (NT-kt): Loại đất này hình thành do bị xáo trộn, có sự tích lũy các chất thải của khai thác mỏ.

* Đất Cát (C)

Diện tích 724,21 ha, chiếm 2,16% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Cẩm Sơn, Cẩm Trung, Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Thịnh, Cẩm Phú, Cẩm Đông, Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Hải, Mông Dương, Cộng Hòa. Đất được hình thành ven biển, ven các con sông chính do sự bồi đắp, bao gồm:

- Đất cát biển điển hình: Thường phân bố ở địa hình cao hoặc vàn cao, hình thành chủ yếu do sự hoạt động của sông và biển. Thành phần cơ giới chủ yếu là cát pha sét vật lý dưới 20%. Khả năng giữ nước, giữ phân bón kém, đây là loại đất có độ phì thấp.

* Đất mặn

Diện tích 1.554,9 ha chiếm 4,62% diện tích tự nhiên, phân bố ở phường Mông Dương, xã Cẩm Hải, xã Cộng Hòa. Nhóm đất này hình thành ở gần các cửa sông nơi có địa hình thấp < 1m trên nền mẫu chất của sự kết hợp phù sa sông và phù sa biển, phù sa biển trầm tích ở bên dưới còn phù sa sông phủ lên trên, bao gồm:

- Đất mặn sú vẹt đước (Mm): Phân bố ở thảm rừng ngập mặn (Sú, Vẹt, Bần…). Phẫu diện ở dạng chưa thuần thục, tầng mặt thường ở dạng bùn lỏng, bão hòa NaCl, lẫn hữu cơ glây mạnh.

- Đất mặn ít và trung bình (M): Được hình thành từ sản phẩm phù sa bị nhiễm mặn, đất có màu nâu, tím nhạt ở tầng đất mặt, xuống các tầng dưới có màu nâu xanh hoặc xám xanh, có độ phì nhiêu trung bình.

* Đất mùn vàng đỏ trên núi (HV)

Diện tích 175,6 ha, chiếm 0,52% diện tích tự nhiên. Phân bố ở phường Mông Dương.

Đất mùn vàng đỏ nằm ở độ cao 700 – 900 m. Địa hình cao, dốc, hiểm trở nên xói mòn mạnh. Đất mặt thường có màu xám đen, tầng dưới có màu xám vàng. Đất có phản ứng chua, giàu hữu cơ ở tầng đất mặt, lân nghèo đến trung bình, kali tổng số trung bình. Lượng các cation kiềm trao đổi thấp, có độ dốc trên 250 nên khoanh nuôi bảo vệ rừng.

* Đất có tầng sét loang lổ (L)

Diện tích 236,5 ha, chiếm 0,7% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Dương Huy, Cẩm Phú, Cẩm Sơn. Nhóm đất này hình thành trên các loại mẫu chất phù sa cổ, phù sa cũ hoặc trên các nền đá mẹ khác nhau. Hình thái phẫu diện thường xuất hiện tầng tích sét loang lổ, đôi khi xuất hiện kết von với các mức độ khác nhau.

b. Tài nguyên nước

- Nước mặt: Tài nguyên nước mặt của thành phố bao gồm các sông chính như hệ thống sông Diễn Vọng, sông Mông Dương, sông Voi Lớn, Sông Voi Bé và còn có 28 hồ đập lớn nhỏ nằm rải rác trong thành phố. Ngoài ra trên địa bàn thành phố hình thành nhà máy nước Diễn Vọng lấy nước từ các hồ Cao Vân và Sông Diễn Vọng để xử lý, cung cấp nước cho thành phố với công suất khai thác

6000m3/ngày đêm, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thành phố. - Nước ngầm: Tài nguyên nước ngầm trên địa bàn thành phố hiện nay rất kém, phía bắc là vùng đồi núi có chất lượng nước tốt, nhân dân sử dụng nước bằng cách đào và khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Vùng thấp và ven biển nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai thác than nên ít được sử dụng trong sinh hoạt, ngoài ra thành phố Cẩm Phả còn khai thác thêm 9 giếng khoan nước ngầm với tổng công suất 5080 m3/ngđ, nguồn nước được khử trùng tại chỗ và được bơm vào các mạng lưới đường ống, chất lượng nước đảm bảo.

c. Tài nguyên rừng

Theo kết quả thống kê đất đai 30/12/2015 diện tích đất lâm nghiệp của thành phố là 19.357,41 ha, chiếm 50,63% diện tích đất tự nhiên. Gồm:

- Đất rừng sản xuất 17.436,96 ha. - Đất rừng phòng hộ 1.920,45 ha.

Diện tích đất rừng chủ yếu là rừng gỗ non chưa có trữ lượng và rừng tre nứa, rừng gỗ trụ mỏ, rừng ngập mặn chủ yếu là rừng phòng hộ bao gồm cây sú vẹt. Diện tích rừng thường tập trung chủ yếu ở các phường xã: Mông Dương, Cộng Hòa, Cẩm Hải, Dương Huy và Quang Hanh với sản lượng gỗ đạt 26.364 m3, độ che phủ rừng đạt 62,73%, thảm thực vật chủ yếu cỏ tranh, lùm cây bụi,..

d. Tài nguyên khoáng sản

- Than đá: Tài nguyên khoáng sản lớn nhất nhất ở Cẩm Phả là than đá và phân bố ở vùng núi phía Đông Bắc và Tây Bắc thành phố. Tổng tiềm năng ước tính trên 1 tỷ tấn, trữ lượng có thể khai thác thuận lợi 240 triệu tấn (theo số liệu ngành than), qua thăm dò than khai thác hầm lò đạt độ sâu -300 m, sản lượng than khai thác trên địa bàn thành phố chiếm 50 - 55% sản lượng than toàn quốc, chất lượng than tốt, tiện đường chuyên chở than ra cảng nước sâu, thuận tiện cho xuất khẩu.

- Đá Vôi: Phân bố chủ yếu trên địa bàn phường Quang Hanh và các dãy núi đá vôi ngoài vịnh, có trữ lượng lớn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng, theo báo cáo kết quả thăm dò, và đánh giá tài liệu tổng hợp địa chất, khoáng sản thành phố Cẩm Phả có 02 mỏ: + Mỏ đá Chồng: trữ lượng 5,515 triệu tấn cấp (C1+C2); + Mỏ Quang Hanh: trữ lượng 633,93 triệu tấn cấp (C1+C2)

- Đất Sét: Là nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất gạch ngói được tập trung nhiều ở trên địa bàn phường Quang Hanh và xã Cộng Hòa.

- Nước khoáng: Là nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao, có thể phát triển khai thác với quy mô lớn, tập trung ở phường Quang Hanh, chứa nhiều nguyên tố vi lượng có ích, phục vụ cho du lịch.

e. Tài nguyên du lịch

Nằm cạnh vùng di sản vịnh Hạ Long và Bái Tử Long kết hợp với suối khoáng nóng Quang Hanh, hang Vũng Đục, đền Cửa Ông, đảo Rều cùng với các bãi biển, khu du lịch Bến Do đã tạo thành tua du lịch hấp dẫn nhằm thu hút lượng du khách lớn đến thăm quan, vãn cảnh và du lịch văn hóa.

f. Tài nguyên nhân văn

Hiện tại trên địa bàn thành phố có nhiều dân tộc anh em đang định cư và sinh sống chủ yếu có dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu,... Cộng đồng các dân tộc trong thành phố với những truyền thống, bản sắc riêng đã hình thành một nền văn hoá phong phú, có nhiều nét độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.

Cẩm Phả luôn là vùng đất có truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng. Nhân dân trong thành phố có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, vượt qua khó khăn gian khổ để từng bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội, trong xu thế hội nhập cả nước, khu vực và quốc tế, là thuận lợi để Đảng bộ và chính quyền các cấp lãnh đạo nhân dân vững bước tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng thành phố Cẩm Phả giàu, đẹp, văn minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất và đề xuất một số giải pháp trên địa bàn thành phố cẩm phả, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2014 2018 (Trang 46 - 50)