Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng và các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào vùng miền núi như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010;
Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 (KH 57) và các chính sách đặc thù khác như giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng. Các chính sách này đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi vùng khó khăn tăng thu nhập, thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hầu hết hộ gia đình và cộng đồng đang sinh sống ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao vẫn sống dựa vào rừng, một số nơi rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế, nguồn lực phân tán và chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng. Một số điểm hạn chế, bất cập chủ yếu của các chính sách hiện hành trong bảo vệ và phát triển rừng như:
Trong khoán bảo vệ rừng: Kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng hiện nay ở mức 200.000 đồng/ha/năm và mức 300.000 đồng/ha/năm áp dụng riêng cho 63 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ). Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình là rất thấp, nếu bình quân mỗi hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng 10 ha, số tiền được hỗ trợ là 2.000.000 đồng/hộ/năm (tương ứng với khoảng 120 kg gạo), chưa đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của một người trong gia đình, đặc biệt ở các vùng dân tộc, miền núi, điều kiện cho sản xuất, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, Ngân sách Nhà nước hàng năm thường không đáp ứng đủ so với nhu cầu bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dung toàn quốc nên thực tế ở nhiều địa phương mức khoán bảo vệ rừng phải dàn trải, có nơi rút xuống chỉ từ 50.000đ-100.000đ/ha/năm, thậm chí có nơi không có.
Để khuyến khích hộ gia đình tham gia nhận giao rừng, khoán bảo vệ rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đây là quy định về chi trả của bên sử dụng
dịch vụ môi trường (nhà máy thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái) với bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (hộ gia đình, tổ chức), nguồn kinh phí này không thuộc ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, kinh phí được chi trả cho các hộ gia đình rất khác nhau giữa các vùng, phụ thuộc vào diện tích rừng mà hộ gia đình nhận khoán bảo vệ, phụ thuộc vào số lượng bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Yên Bình mức chi trả cao nhất là 256.000 đồng/ha/năm và mức thấp nhất là 826 đồng/ha/năm, mức chênh lệch tới 300 lần.
Giao rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng: Đối với một số diện tích rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng sản xuất) đã giao cho hộ gia đình, cộng đồng không được hưởng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà chỉ được hưởng lợi phần tăng thêm của gỗ, lâm sản do rừng sinh trưởng (Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp). Tuy nhiên, diện tích rừng giao cho các hộ gia đình, cộng đồng chủ yếu là rừng phục hồi, rừng nghèo, trữ lượng gỗ rất thấp, chủ yếu là cây có giá trị thấp, hầu như chưa có gì hưởng lợi, mà phải nuôi dưỡng trong thời gian dài (tối thiểu 15-20 năm). Do vậy, mặc dù nhận rừng, nhưng các hộ gia đình hầu như không có nguồn thu nhập, dẫn đến rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp.
Đối với diện tích rừng tự nhiên (phòng hộ và sản xuất) đã giao cho hộ gia đình để khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên, có trồng bổ sung, mức hỗ trợ hiện hành là 1.000.000 đồng/ha/6 năm (bình quân 160.000 đồng/ha/năm) theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015). Mức hỗ trợ này là quá thấp, không đảm bảo chi phí để cho các hộ gia đình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tác động vào rừng bao gồm: phát dây leo, cây sâu bệnh, trồng bổ sung và chăm sóc cây trồng bổ sung trong các năm đầu.
Về trồng rừng sản xuất: Về hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên diện tích đất của hộ gia đình đã được giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật, mức kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình đã ưu tiên cho vùng khó khăn (xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng biên giới) theo quy định tại Quyết định số 66/2011/QĐ- TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015. Trong đó, mức hỗ trợ trồng rừng tối đa
là 4.500.000 đồng/ha (đối với cây chu kỳ kinh doanh dài, trên 10 năm) và 3.000.000 đồng/ha (đối với cây chu kỳ kinh doanh ngắn, dưới 10 năm). Đối với các hộ gia đình thuộc 63 huyện nghèo, mức hỗ trợ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/ha (Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, theo đơn giá trồng rừng hiện nay (ở khu vực khó khăn trung bình) chi phí khoảng 25.000.000 - 30.000.000 đồng/ha/07 năm (đối với cây chu kỳ kinh doanh ngắn), bao gồm: chi phí chuẩn bị hiện trường trồng rừng, giống, phân bón, nhân công, tiền chăm sóc cho 03 năm đầu, tiền bảo vệ rừng cho các năm tiếp theo đến khi khai thác. Đối với khu vực khó khăn như vùng dân tộc, miền núi (xã khu vực III) thì chi phí trồng rừng còn cao hơn rất nhiều. Do vậy, phần kinh phí còn thiếu để trồng rừng, các hộ gia đình phải đi vay, mặc dù với lãi suất ưu đãi cũng là gánh nặng cho hộ gia đình nghèo, đặc biệt đối với sản xuất lâm nghiệp có đặc thù là chu kỳ kinh doanh dài, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
Chính sách tín dụng trong phát triển sản xuất: Chính sách tín dụng đối với trồng rừng sản xuất hiện tại thực hiện theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, theo đó hộ gia đình được vay tối đa tới 50.000.000 đồng để sản xuất lâm nghiệp, tuy nhiên lãi suất cho vay đươc thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại hiện hành. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thì Nhà nước có các chính sách riêng cho từng đối tượng, theo đó thời hạn cho vay theo thỏa thuận và phù hợp với khả năng trả nợ của hộ gia đình, mức lãi suất hiện nay là 7,2%/năm đối với người nghèo. Đối với hộ nghèo thuộc 63 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP), Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản; mức vay được hỗ trợ tối đa là 10.000.000 đồng/hộ, thời gian hỗ trợ lãi suất là 03 năm. Hoặc đối với các hộ gia đình di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, mức cho vay tối đa lên tới 50.000.000 đồng/hộ, hỗ trợ lãi suất bằng 50% lãi suất hộ nghèo, thời gian hỗ trợ là 03 năm (Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014). Như vậy, địa bàn các xã thuộc khu vực khó khăn ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ khi trồng rừng sản xuất (tối đa 4.500.000 đồng/ha), phần còn thiếu (khoảng 20.000.000 đồng/ha) hộ gia đình phải vay từ ngân hàng tối thiểu với lãi suất là 7,2%/năm (hộ nghèo), đây là số tiền lãi khá lớn phải trả đối với hộ gia đình khi có sản phẩm thu hoạch. Đối với hộ gia đình thuộc 63 huyện nghèo khi trồng rừng sản xuất vẫn phải đi vay tới 15.000.000 triệu đồng/ha hoặc để phát
triển chăn nuôi, cả số tiền hỗ trợ của Nhà nước (tối đa 10.000.000 đồng/hộ) và tiền vay từ ngân hàng (tối đa 10.000.000 đồng/hộ) chỉ đủ để mua 01 con trâu, bò nuôi sinh sản. Như vậy, tối thiểu là 07 năm, hộ gia đình mới trả được nợ vay ngân hàng (đối với trồng rừng) hoặc 05 năm đối với chăn nuôi gia súc. Do kinh doanh gỗ có chu kỳ dài, chi phí đầu tư lớn hơn, trong khi việc vay vốn sản xuất của các hộ gia đình rất khó khăn; kinh phí nuôi dưỡng rừng chủ yếu do các chủ rừng tự huy động, do đó chưa có điều kiện phát triển kinh doanh gỗ lớn.
Trong số các hộ điều tra có tới gần 60% các hộ đánh gia các chính sách có ảnh hưởng (trong đó lớn và rất lớn chiếm gần 40%, ảnh hưởng ít chiếm gần 20%) đến quản lý rừng bền vững; gần 30% các hộ đánh giá là bình thường, hơn 10% các hộ đánh giá là không ảnh hưởng (Biểu đồ 4.9).
Biểu đồ 4.9. Mức độ ảnh hưởng của chính sách đến quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện Yên Bình
Nguồn: Tổng hợp từ điều tra (2018)