2.1.3.1. Nhóm yếu tố thuộc cơ quan bảo hiểm
* Về chính sách tiền lương: Giữa chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội nói riêng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, chính sách tiền lương là tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bởi vì cơ sở để tính toán mức đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội của chúng ta hiện nay là phụ thuộc vào mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, như vậy khi nhà nước nâng mức lương tối thiểu lên đồng nghĩa với việc mức đóng bảo hiểm xã hội cũng phải tăng lên.
* Phương thức tính tiền đóng BHXH và mức thụ hưởng từ các chế độ, chính sách thuộc BHXH đều phụ thuộc vào mức lương trích nộp BHXH. Theo kết quả một điều tra mới đây của Bộ LĐTBXH: Doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng tiền lương quá nhanh so với tốc độ tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh tiền lương tăng chưa tương xứng với tốc độ tăng lợi nhuận và tốc độ tăng năng suất lao động. Hiện nay mức thu nhập thực tế mà các doanh nghiệp trả cho người lao động đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều nộp BHXH theo mức lương tối thiểu chứ không nộp theo mức thu nhập thực tế của người lao động. Việc các doanh nghiệp không lấy mức thu nhập thực tế của người lao động làm cơ sở tính phần trăm nộp BHXH đã không chỉ làm thiệt thòi về quyền lợi cho người lao động mà còn gây thất thu quỹ BHXH. Chỉ có một số ít lao động đóng BHXH với mức lương đúng với mức thực lĩnh. Còn lại người sử dụng lao động (thuộc các công ty TNHH, DNTN, Cổ phần trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,…)
thường đóng BHXH theo mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ do Nhà nước quy định. Mức lương này so với thu nhập thực tế của người lao động thì rất thấp.
* Tỷ lệ trích nộp BHXH cũng là yếu tố quan trọng trong tổng số thu BHXH, tỷ lệ này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia BHXH, họ so sánh giữa mức đóng góp và mức thụ hưởng, các bên tham gia BHXH, nếu cảm thấy không phù hợp sẽ cố tình né tránh làm thất thu BHXH, doanh nghiệp hiện nay đóng 18% lương cho BHXH, tuy nhiên, họ không hề nhìn thấy được lợi ích gì khi tham gia BHXH, chỉ thấy phải bỏ ra chi phí quá lớn. Do đó, nếu tỷ lệ thích hợp, cân bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ làm cho doanh nghiệp cảm thấy có sự công bằng, từ đó, tích cực tham gia BHXH hơn.
2.1.3.2.Nhóm yếu tố về đối tượng tham gia bảo hiểm
* Đối với người lao động họ rất quan tâm được thụ hưởng các chế độ chính sách gì, họ thấy rằng việc tham gia BHXH là có ích cho họ và gia đình trong hiện tại và tương lai, từ đó, người lao động tích cực tham gia và đòi quyền lợi của mình. Do đó, cần phải xác định chính xác lợi ích mà BHXH mang lại cho người lao động, và kích thích người lao động đấu tranh giành quyền lợi của mình, buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện trích nộp BHXH.
* Đối với các doanh nghiệp, cần xác định rằng hoạt động này là loại chính sách mà doanh nghiệp tham gia nhằm đảm bảo được tính ổn định nhân sự, sự ổn định này giúp doanh nghiệp mạnh dạn đề ra chiến lược phát triển kinh doanh, mạnh dạn ký kết các hợp đồng để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Quán triệt được tư tưởng đó, sẽ làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, do đó, số doanh nghiệp tham gia BHXH càng nhiều và dẫn đến số thu BHXH sẽ càng cao. Có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay né tránh, cố tình trì hoãn tham gia trích nộp BHXH cho người lao động.
* Nếu như tham gia BHXH bằng với thu nhập thực tế của người lao động trong thời kỳ họ còn làm việc; như vậy, mức thụ hưởng các chế độ sẽ cao, đảm bảo chi phí cho người lao động trong lúc hoạn nạn, ốm đau, thai sản, chết,…Mặt khác, khi về hưu, mức hưởng lương hưu sẽ đảm bảo chi phí sinh hoạt cho họ.
* Nhận thức, ý thức của người lao động và người chủ sử dụng lao động có tác động rất lớn đến công tác thu BHXH. Nếu người lao động không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về BHXH thì sẽ không đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi của mình. Ngược lại nếu người lao động mà hiểu biết về
pháp luật BHXH họ sẽ đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình buộc người sử dụng lao động phải tham gia BHXH cho họ. Tuy nhiên có một số người lao động hiểu biết, nhận thức một cách đầy đủ về BHXH nhưng do ý thức, tâm lý, thói quen đó là chỉ nghĩ đến cái trước mắt không nghĩ đến cái lâu dài (cái trước mắt là không phải đóng 8% lương) mà thông đồng với chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH. Nếu như nhận thức, ý thức về BHXH của người lao động được nâng lên sẽ tác động tích cực đến công tác thu BHXH.
2.1.3.3. Nhóm nhân tố thuộc môi trường chính sách, điều kiện kinh tế xã hội
Yếu tố quản lý thu BHXH cũng phụ thuộc vào môi trường chính sách, các quy định của Nhà nước, điều kiện kinh tế xã hội. Nếu môi trường tốt, các quy định thích hợp, quản lý chặt chẽ và có các biện pháp chế tài cụ thể và nghiêm khắc; điều kiện kinh tế xã hội phát triển sẽ làm cho cả doanh nghiệp và người lao động không thể trốn nộp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao góp phần làm cho đời sống của người lao động dần được cải thiện; Việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được thuận lợi, vì thế các chủ doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia BHXH cho người lao động, từ đó làm giảm tình trạng trốn tránh tham gia BHXH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững phản ánh nhiều người lao động có thu nhập cao thông qua quá trình lao động, đây là điều kiện tiền đề để người lao động có cơ hội tham gia BHXH. Hơn nữa, khi đời sống kinh tế cao thì nhận thức của người lao động cũng được nâng lên, ngoài việc ý thức đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho bản thân và gia đình, họ mong muốn có khoản trợ giúp khi không may gặp các rủi ro xã hội cũng như đảm bảo cuộc sống khi về già, như: Ốm đau, TNLĐ- BNN, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp khiến cho họ bị mất hoặc bị giảm thu nhập. Tất cả những yếu tố trên tác động tích cực trong công tác quản lý thu BHXH.
Hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc chế tài các trường hợp vi phạm về nộp và quản lý thu BHXH. Giữa chính sách tiền lương và chính sách BHXH nói chung và công tác quản lý thu BHXH nói riêng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Chính sách tiền lương là tiền đề và là cơ sở cho việc thực hiện chính sách BHXH, nhất là đối với khu vực Nhà nước có quy định cụ thể về thang bảng lương, mức lương và hệ số lương. Nâng lương tối thiểu chung đồng nghĩa với việc tăng mức đóng BHXH và đương nhiên tăng số thu BHXH. Như vậy, mức lương tối thiểu chung đã tác động gián tiếp tới mức
thu BHXH. Ngoài ra, nhà nước còn quy định mức lương tối thiểu vùng cho từng khu vực cũng như trong các khối ngành kinh tế khác nhau sẽ là căn cứ chung để quản lý và kiểm soát thu BHXH.
Tuy nhiên, hệ thống tiền lương, tiền công chưa hợp lý; hiện tượng tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn tiền thưởng và các khoản thu nhập phụ khác; các quy định chính sách BHXH chưa thật rõ ràng, chưa ổn định và không tạo được sự hấp dẫn nên cũng là nguyên nhân gây khó khăn đối với công tác quản lý thu BHXH hiện nay.