4.1.4.1. Những mặt đạt được
- Thực hiện chính sách BHXH theo cơ chế mới dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, cộng đồng chia sẻ rủi ro đã làm thay đổi nhận thức của hàng triệu người lao động và chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, đồng thời góp phần xoá đi ranh giới giữa người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước với những người lao động làm việc ở các thành phần kinh tế khác. Nhận thức này tạo ra môi trường thuân lợi, lành mạnh để chủ trương, chính sách BHXH đi vào cuộc sống, đồng thời đảm bảo sự công bằng về quyền và nghĩa vụ BHXH giữa những người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.
- Ngành BHXH đã xây dựng và hoàn chỉnh được hệ thống bảng biểu, thống kê số liệu, tình hình quản lý thu BHXH áp dụng trong toàn quốc. Hệ thống tiêu thức quản lý thu đã được xây dựng phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế. Các bước triển khai trong quy trình quản lý thu BHXH đã được chuyên môn hoá,
giảm bớt những thủ tục rườm rà, đảm bảo việc chuyển tiền thu một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Các bước đặt ra trong quy trình quản lý thu BHXH cũng tương đối toàn diện, đảm bảo việc thực hiện thu BHXH và đối chiếu số thu BHXH cho người lao động, đã đưa ra chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đối tượng, đối chiếu và xác nhận quá trình cho người lao động đảm bảo chính xác và rút ngắn thời gian, giảm tải công việc.
- Đội ngũ cán bộ BHXH nói chung và bộ phận cán bộ làm công tác quản lý thu BHXH nói riêng đã từng bước được rèn luyện và trưởng thành hơn về phẩm chất chính trị, am hiểu chính sách liên quan đến chế độ BHXH, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao và tích luỹ được những kinh nghiệm quản lý nhất định.
- Số lượng doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH cao hơn trước. Cơ sở vật chất có nhiều đơn vị hiện đại cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của BHXH tỉnh Phú Thọ, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện Tân Sơn; Có một số khu, cụm công nghiệp đang xây dựng nên sẽ có số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn; Khối DNNQD ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng;
- Phần mềm quản lý của ngành đang dần dần được hoàn thiện;
- Kinh tế, dân trí ngày càng tăng; Hiểu biết về BHXH của người lao động và doanh nghiệp ngày càng tăng.
4.1.4.2. Những mặt còn hạn chế
- Số người tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đối tượng tham gia BHXH mặc dù đã được mở rất rộng nhưng do cơ chế thực hiện còn nhiều điểm chưa rõ nên việc triển khai cụ thể của cơ quan BHXH và các đơn vị sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn. Qua kết quả kiểm tra các doanh nghiệp năm 2016, hiện nay BHXH huyện chỉ quản lý thu 280 lao động trên 414 lao động hiện đang làm việc tại các công ty được kiểm tra, chiếm 67,63%, điều này cho thấy chính sách BHXH về công tác quản lý thu vẫn còn chưa sâu sát. Vì vậy BHXH huyện cần phải có những thay đổi nhanh chóng hơn nhằm tạo cơ hội cho người lao động có thể tham gia BHXH khi nền kinh tế ngày càng phát triển.
- Chưa khuyến khích người lao động đóng BHXH cao hưởng cao, đóng BHXH theo thu nhập thực tế, hiện nay khống chế mức lương trần đóng BHXH không quá 20 lần mức lương tối thiểu và có sự chênh lệch lớn giữa tiền lương, thu nhập thực tế với mức lương đóng BHXH. Mức hưởng của người lao động
chưa tương ứng với mức đóng, quy định về mức hưởng hiện nay tuy cao nhưng người lao động khi về hưu thì đời sống vẫn gặp khó khăn, do giá trị thực tế của tiền lương nước ta còn thấp.
Đó là những hạn chế làm giảm tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro và công bằng xã hội trong việc thực thi chính sách BHXH nói chung và công tác quản lý thu BHXH nói riêng.
- Chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro, mất cân đối thu chi quỹ BHXH cũng như công tác đầu tư tăng trưởng quỹ, chưa phân tích đánh giá tình hình để kịp thời đưa ra các biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa rủi ro, đồng thời làm cho công tác kiểm tra, giám sát, hoạch toán thu, chi quỹ gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy mà qua hơn 20 năm thực hiện chính sách BHXH theo cơ chế mới, nhưng đến nay BHXH Việt Nam và các bộ, ngành chức năng chưa phân tích, chỉ ra được mức đóng, mức hưởng của từng chế độ là bao nhiêu cho phù hợp để có những điều chỉnh cần thiết. Việc quy định tỷ lệ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH cao làm cho quỹ BHXH khó có thể cân bằng thu – chi BHXH và về lâu dài sẽ bị thiếu hụt.
- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý các vi phạm chính sách BHXH nói chung và quy định về nghĩa vụ đóng BHXH nói riêng còn rất hạn chế, kém hiệu quả. Quy định của pháp luật trong việc xử lý các vi phạm chính sách BHXH còn quá nhẹ so với số tiền chậm nộp hoặc không nộp.
- Trong quy trình quản lý thu BHXH hiện nay còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện, phải được cụ thể hoá đối với từng khối loại hình quản lý, song mỗi khối loại hình lại có những đặc thù riêng nên những quy định chung chưa thể đáp ứng được cụ thể cho từng loại hình. Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải hoàn thiện quy trình thu đối với từng khối loại hình. Công tác báo cáo thống kê còn yếu, chưa phân loại được từng loại ngành nghề theo từng loại hình quản lý, chưa dự báo và định hướng được khả năng biến động đối tượng theo từng loại hình để định hướng phát triển thu BHXH trên địa bàn quản lý.
- Cán bộ làm công tác quản lý ngành BHXH còn nhiều bất cập, yếu về kinh nghiệm quản lý, chưa bám sát cơ sở, bám sát người lao động, việc giải thích tuyên truyền vận động còn chung chung, hiệu quả thấp. Tác phong làm việc còn nặng thói quen hành chính bao cấp, thiếu biện pháp và phương thức tổ chức thực hiện nhiều khi chỉ thực hiện theo mệnh lệnh hành chính, xử lý sự vụ, chưa quen với tác phong phục vụ. Mặt khác, so với các ngành khác thì thu nhập của nhân
viên ngành BHXH còn hạn chế, chưa kích thích được lao động giỏi gia nhập ngành, nhiều người có được môi trường khác tốt hơn hay mức lương cao hơn là sẵn sàng từ bỏ ngành BHXH, nên nhân sự của ngành thường xuyên thay đổi.
- Số lượng CBCCVC vẫn thiếu so với số thu BHXH của huyện. Công tác ứng dụng CNTT còn chưa triệt để; Công tác tuyên truyền còn chưa thực sự hiệu quả, số lượng người lao động biết và hiểu biết về chính sách BHXH còn rất thấp.
- Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng trên địa bàn về lĩnh vực BHXH còn yếu. Nợ đọng BHXH không có xu hướng giảm; Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp; Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa hiểu biết và chưa có ý thức tham gia BHXH; chốn đóng BHXH.