Kết quả phát triển tiêu thụ sản phẩm thủy sản của hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện thuận thành, tỉnh bắc ninh (Trang 82 - 84)

Việc thu gom, chế biến và bảo quản sản phẩm đóng vai trò quan trọng vì các sản phẩm của NTTS là những sản phẩm tươi sống, dễ hư hỏng và khó bảo quản. Chính vì vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, sản lượng và giá cả của sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Thành chưa có cơ sở chế biến và bảo quản sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản. Sở dĩ có hiện tượng trên là do sản phẩm thuỷ sản ở Thuận Thành chủ yếu cung cấp nhu cầu trong huyện, tỉnh và một số tỉnh lân cận, chưa có sản phẩm xuất khẩu trong tổng sản lượng sản xuất hàng năm. Tuy nhiên về lâu dài, khi sản lượng tăng thì vấn đề này cũng cần phải được các nhà quản lý quan tâm.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông) giúp người nông dân được tiếp cận với những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; số doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh không nhiều, trong khi đó số lượng hợp tác xã lại rải đều ở tất cả các xã, thị trấn. Chưa tạo được một đầu mối tập trung, tin cậy hỗ trợ người nông dân trong thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, cần thúc đẩy liên kết đồng thời nâng cao năng suất, chất lương sản phẩm, người sản xuất cần được tham gia vào các chương trình đào tạo, tập huấn khoa học, kỹ thuật. Ngoài ra, đơn vị liên kết cũng cần tư vấn, hỗ trợ vốn, giống… đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất cho người nông dân.

Hoạt động tổ chức nuôi trồng thủy sản trên sông cần gắn với bảo vệ môi trường nguồn nước. Đây là một hướng đi đúng, một mũi kinh tế sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong kinh tế nông nghiệp thủy sản những xã vùng dọc sông Đuống của huyện. Để nghề này ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững mang tính chuyên nghiệp rất cần có sự kết hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa 4 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp.

Nhà nước: Tỉnh và huyện cần có chương trình, dự án phát triển bền vững cho nghề thủy sản trên sông ở huyện Thuận Thành; cần có sự hỗ trợ đỡ ban đầu và tạo ra các môi trường thuận lợi cho nông dân từ tổ chức sản xuất, bảo vệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quản lý không để xẩy ra tình trạng chèn ép về cung cấp vật tư, cá giống đến mua sản phẩm của người dân.

Nhà nông: phải được trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, cần nắm vững thông tin thị trường, không chạy theo phong trào, tuân thủ đúng quy trình công nghệ nuôi và đánh bắt thủy sản. Các hộ cần có sự liên kết với nhau thực hiện phương ngôn "Đi buôn có bạn, đi bán có phường" để tạo thành sức mạnh, không bị ép cấp, ép giá, tranh mua, tranh bán.

Nhà khoa học: sớm đưa ra các loại thủy sản thích hợp nhất, đưa ra các quy trình sản xuất, đánh bắt, chế biến, bảo vệ tài nguyên môi trường, làm cho nông dân từng bước làm chủ được công nghệ nuôi trồng đánh bắt. Nắm được những điều nên làm, và những điều không được làm khi nuôi cá lồng trên sông.

Nhà doanh nghiệp: Xây dựng một thị trường thủy sản ở huyện Thuận Thành bằng những hợp đồng mua bán có lợi cho cả người mua và người bán; cung ứng, cung cấp cho nông dân những vật tư thủy sản, kể cả con giống. Từng bước nghiên cứu xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn để ổn định đầu nguyên liệu là sản phẩm thủy sản và thị trường cung cấp vật tư thủy sản; người nông dân ổn định thị trường tiêu thụ, minh bạch công khai và thông tin giá cả thị trường.

Hiện nay, hoạt động nuôi cá lồng ở trên địa bàn huyện Thuận Thành chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên môn ngành thuỷ sản là Chi cục Thuỷ sản, Phòng nông nghiệp huyện. Trong những năm vừa qua, các cơ quan này cũng đã có chương trình hỗ trợ tích cực cho phong trào nuôi cá lồng tại địa phương. Chi cục Thuỷ sản hàng năm đều xây dựng chương trình hỗ trợ như xây dựng mô hình, mua cá giống mới... với mức hỗ trợ là 15 triệu đồng/lồng với hộ đóng mới và hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ tiền cá giống. Hàng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tập huấn các lớp chuyển giao kỹ

thuật nuôi trồng thuỷ sản với trên 300 lượt học viên tham gia. Các chương trình này đã góp phần hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi, đồng thời xây dựng được các mô hình điểm, có hiệu quả để bà con nuôi cá học tập và làm theo.

Trên địa bàn huyện Thuận Thành thì hoạt động liên kết giữa các hộ nuôi cá lồng vẫn manh mún và theo kiểu tự phát. Tại các xã điều tra thì không có 1 hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản về cá lồng nào. Việc thành lập các HTX để có những hỗ trợ về giống đầu vào, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ cho người nuôi cá lồng là rất cần thiết. Giúp cho những hộ nuôi cá lồng tại các xã có điều kiện để thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về thức ăn, con giống và vốn sản xuất.

Bảng 4.16. Thực trạng tiêu thụ sản phẩm của hộ NTTS năm 2015

Diễn giải Số lượng (hộ) Tỷ lệ (%)

Tổng số hộ điều tra 50 100

1. Địa điểm tiêu thụ

- Tại lồng nuôi 41 82,0

- Tại các đại lý, chợ 8 16,0

- Nơi khác 1 2,0

2. Đối tác thu mua

- Thương lái tự do 46 92,0

- HTX liên kết 0 0,0

- Công ty chế biến thủy sản 0 0,0

- Tự bán lẻ 4 8,0

Nguồn: Số liệu điều tra (2016) Đánh giá chung các mối liên kết trong nuôi cá lồng ở huyện Thuận Thành còn chưa thực sự chặt chẽ. Trong tương lai, để phát triển nuôi cá lồng cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ người nuôi cá lồng về mặt kỹ thuật và trao đổi thông tin (giữa những người sản xuất với người sản xuất và với các tác nhân có liên quan). Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn, từ đó có thể thành lập các HTX có đủ năng lực thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá lồng cho các hộ nông dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện thuận thành, tỉnh bắc ninh (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)