Thực trạng công tác quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện thuận thành, tỉnh bắc ninh (Trang 56 - 60)

Xác định sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển thủy sản (giai đoạn 2012 - 2020) với hệ thống các chính sách hỗ trợ về giống, nâng cấp hạ tầng sản xuất. Theo đó, tỉnh quyết định phê duyệt 5 đề án nuôi cá lồng trên các sông (giai đoạn 2014 -2015) tại 5 huyện là Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và Tiên Du. Trước mắt, địa phương thí điểm ở những lồng thực hiện dự án, đi sâu vào khâu tập huấn, đào tạo, dạy nghề cho nông dân theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, con giống, người dân đầu tư nguyên liệu, thức ăn và nhân công”.

Hiện nay, nuôi cá lồng ở huyện Thuận Thành tập trung ở các xã Đại Đồng Thành, Mão Điền, Đình Tổ. Dựa theo kế hoạch phát triển cá lồng trên sông giai đoạn 2015 – 2020 của tỉnh Bắc Ninh, huyện sẽ tiếp tục phát triển nuôi cá lồng trên sông Đuống với quy mô 50 lồng nuôi mới, nâng tổng số lồng trên địa bàn huyện lên 200 lồng tận dụng tối đa tiềm năng của huyện Thuận Thành trong phát triển nuôi cá lồng. Trong những năm tới, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, Thuận Thành sẽ là địa phương đi đầu trong phát triển nuôi cá lồng của toàn tỉnh Bắc Ninh. Thời gian tới, các xã sẽ tập trung chỉ đạo chuyển dịch một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các hộ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp. Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận vay nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời sớm quy hoạch vùng nuôi thả cá lồng, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản…

Số lượng lồng cá tăng mạnh qua các năm, đặc biệt là năm 2015, số lượng lồng cá tăng lên 148 lồng. Từ năm 2014 trở lại đây có sự vào cuộc của các cấp chính quyền tổ chức cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở những địa phương phát triển nuôi cá lồng như Nam Sách Hải Dương, Thái Bình để về hướng dẫn bà con nông dân từ khâu làm lồng nuôi đến công tác chăm sóc quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng như: Kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, theo dõi hoạt động của cá; kiểm tra lồng thường xuyên tránh việc rò

rỉ thất thoát, vệ sinh lồng định kì tạo thông thoáng nước trong lồng để tăng hàm lượng ôxy trong nước và chống kí sinh trùng cho cá; theo dõi tốc độ lớn để tách đàn phù hợp, tạo điều kiện để cá phát triển đều; bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết… Nhờ vậy số lồng nuôi cá trên sông đã tăng lên nhanh chóng, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Thực trạng công tác quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông ở huyện Thuận Thành cũng đã được Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh và Phòng NN&PTNT huyện Thuận thành thực hiện, và xác định 2 xã có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng trên sông là xã Mão Điền và xã Đại Đồng Thành, với tổng số lồng cá nuôi là 45 lồng. Các hộ nằm trong đề án này thì đều được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh về phát triển cá lồng trên sông. Tuy nhiên, trên thực tế theo số liệu thống kê của Phòng NN &PTNT huyện Thuận Thành thì các hộ nuôi cá lồng phát triển tự phát rất nhiều với tổng số lồng cá nuôi 148 lồng trên phạm vi 6 xã, thị trấn của huyện (Bảng 4.1). Như vậy, trong thời gian tới huyện Thuận Thành cần phải xác định lại và tổ chức quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông và quản lý chặt chẽ hơn việc phát triển nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Do phần lớn các hộ nuôi cá lồng trên sông là tự phát, đặc biệt vị trí các hộ đặt lồng nuôi cá chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Có những lồng nuôi thậm chí còn đang nằm trong vị trí mỏ của các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi trên sông. Do đó, trong thời gian qua đã có hiện tượng một số hộ dân nuôi cá có tranh chấp với doanh nghiệp khai thác cát sỏi, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát sỏi của các doanh nghiệp; hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Thành phát triển nuôi cá lồng và đảm bảo cho công tác quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Thuận Thành chủ trì, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các điểm khai thác cát, sỏi đã cấp phép nhưng hết thời hạn, các bãi tập kết cát sỏi không có phép, đề xuất UBND tỉnh cho dừng khai thác cát sỏi để xác định vị trí cho hộ dân có nhu cầu đầu tư nuôi cá lồng; tại các vị trí chưa cấp phép khai thác cát sỏi tạm cho dừng bổ sung quy hoạch khai thác cát sỏi hoặc thăm dò để dành diện tích cho nuôi cá lồng.

Hộp 4.1. Cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi cá lồng

“Mô hình nuôi cá lồng trên sông là mô hình phát triển kinh tế mới, đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn, đồng thời, tận dụng được thế mạnh của địa phương với gần 16km đường sông. Chính quyền địa phương rất mong mỏi được các cấp, các ngành quan tâm, cho quy hoạch vùng nuôi cá lồng ở các vị trí chưa được cấp phép khai thác cát sỏi hoặc đã hết hạn khai thác cát sỏi trên tuyến sông Đuống. Có như vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con mới trở thành hợp pháp và đó cũng là sơ sở để huyện triển khai các chương trình hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng trên sông phát triển, nhân rộng.”

Nguồn: phỏng vấn sâu ông Nguyễn Đức Kiên, phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Thành

Trong 6 xã điều tra thì xã Mão Điền và Đại Đồng Thành là 2 xã có số lượng lồng nuôi nhiều và chiếm chủ yếu số lượng lồng nuôi của huyện Thuận Thành, tập trung nuôi ba giống cá Diêu hồng, cá Lăng và cá Trắm cỏ. Cá Diêu hồng và cá Trắm cỏ là những giống cá dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn. Cá Lăng là giống cá đặc sản, mang lại năng suất và sản lượng cao, từ đó lợi nhuận mang lại cũng cao hơn những giống cá còn lại. Đây là những loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn nước trên sông Đuống.

Bảng 4.1. Thực trạng quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống huyện Thuận Thành, năm 2015

ĐVT: Lồng STT Xã Tổng số lồng (năm 2015) Trong đó, số lồng trong vùng quy hoạch 1 Đình Tổ 16 0 2 Hoài Thượng 9 0 3 Mão Điền 66 30 4 Song Hồ 10 0 5 Đại Đồng Thành 39 15 6 Thị trấn Hồ 8 0 Tổng 148 45

Nguồn: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Thành (2015) Phát triển nuôi cá lồng thâm canh theo kỹ thuật mới (lồng lưới, quy mô kích cỡ 108m3/lồng), tại các đoạn sông không cấp phép cho hoạt động khai thác

cát sỏi, bến bãi và có đủ điều kiện về độ sâu, lưu tốc dòng chảy, có nơi neo bè đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Theo bảng 4.1 thì số lượng lồng nuôi tự phát, không nằm trong đề án “ứng dụng công nghệ cao” của tỉnh chiếm hơn 100 lồng. Điều này gây khó khăn cho chính những hộ nuôi cá lồng đó trong việc xin giấy cấp phép nuôi cá lồng trên sông và thủ tục để được hỗ trợ như những hộ nằm trong đề án của tỉnh về phát triển nuôi cá lồng trên sông.

Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng ở huyện Thuận Thành đã và đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi cá lồng còn phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng ở huyện Thuận Thành là điều cần thiết.

Hộp 4.2. Quy hoạch chưa đồng bộ nên nuôi cá lồng còn manh mún, nhỏ lẻ “Hiện nay, thực trạng nuôi cá lồng ở các địa phương trong huyện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, kể cả diện tích và đối tượng nuôi. Việc cấp phép nuôi cá lồng trên sông huyện chưa thực hiện được mà phải qua Chi cục đê điều, chi cục thủy sản và Cục quản lý đường sông (thuộc bộ giao thông vận tải). Huyện cũng còn lúng túng trong tháo gỡ khó khăn này cho dân…”

Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Nguyễn Văn Bổ - chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Thuận Thành. Hộp 4.3. Thông tin và nhận thức của người dân về quy hoạch vùng nuôi cá

lồng còn hạn chế

“Chúng tôi cứ nghĩ là ra sông đặt nuôi thôi, ở ngoài sông thì ai quản lý đâu. Đợt vừa rồi mới nghe những hộ nằm trong đề án của tỉnh thì được hỗ trợ 15 triệu/ lồng. Thế này chúng tôi không nằm trong đề án quy hoạch thì thiệt thòi quá...”

Nguồn: phỏng vấn sâu ông Nguyễn Văn Quang , 50 tuổi hộ nuôi cá lồng ở xã Đình Tổ

Tồn tại trong công tác quy hoạch của địa phương:

Trong 6 xã triển khai nuôi cá lồng trên sông Đuống thì có tới 4 xã không nằm trong đề án công nghệ cao của tỉnh. 2 xã nằm trong quy hoạch thì cũng có hơn 60 lồng nuôi là tự phát. Việc quản lý của cán bộ cơ sở cũng như ý thức về vùng nuôi, về quy hoạch của người dân cũng như của cán bộ quản lý vẫn còn chưa tốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông đuống ở huyện thuận thành, tỉnh bắc ninh (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)