Tiêu tốn thức ăn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khả năng sinh trưởng và sinh sản gà liên minh nuôi tại công ty thiên thuận tường tỉnh quảng ninh (Trang 28 - 29)

Tiêu tốn thức ăn được tính thông qua lượng TĂ thu nhận của đàn gà sau quá trình theo dõi, là công việc được theo dõi thường nhật và tổng hợp lại sau mỗi tuần. Chỉ tiêu này cơ bản đánh giá được sức khỏe đàn gà và mức độ ổn định trong đàn. Lượng thức ăn thu nhận đang giảm đột ngột cho biết sức khỏe đàn gà đang có chiều hướng đi xuống. Các tác động đó có thể do diễn biến thời tiết, gà mắc bệnh hay do chính chất lượng thức ăn không còn phù hợp với lứa tuổi.

Tiêu tốn thức ăn của gà sẽ được đánh giá căn cứ vào TĂ thu nhận (g/con/ngày) và kg TĂ/kg tăng khối lượng. Lượng thức ăn thu nhận hàng ngày phản ánh tình trạng sức khỏe toàn đàn, gà khỏe mạnh sẽ thu nhận thức ăn hàng ngày nhiều và giảm thức ăn thừa. Lượng thức ăn thu nhận/ngày của đàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kỹ thuật chăm sóc, thành phần dinh dưỡng, yếu tố môi trường tác động lớn đến lượng thu nhận thức ăn/ngày. Khi nhiệt độ môi trường tăng lên sẽ làm giảm thức ăn thu nhận cả đàn, gà có tốc độ tăng trưởng chậm vì vậy cần làm tăng kg

TĂ/kg tăng trọng. Hay chất lượng thức ăn kém cũng làm giảm khả năng thu nhận thức ăn, ngược lại thức ăn mới sẽ kích thích tính thèm ăn của gà. Căn cứ vào chỉ tiêu này đánh giá được hiệu quả chăn nuôi, chỉ tiêu này có giá trị càng thấp cho thấy chăn nuôi càng có lãi.

Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng thì hiệu quả sử dụng thức ăn là một chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm, quyết định giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Hiệu quả sử dụng thức ăn được định nghĩa là mức tiêu tốn thức ăn cho một đơn vị sản phẩm (Chambers et al., 1984). Trong chăn nuôi gà, có giống tốt chưa đủ, cần phải có thức ăn tốt, cân đối dinh dưỡng sẽ nâng cao tính ngon miệng, gà thu nhận được nhiều thức ăn do đó trọng lượng tăng nhanh, giảm được mức tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng. Có thể coi đây là chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật quan trọng mà bất kỳ người chăn nuôi nào cũng quan tâm, giảm chi phí thức ăn là biện pháp giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi vì thức ăn chiếm từ 70% - 80% giá thành sản phẩm. Do đó nếu tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp thì hiệu quả kinh tế sẽ cao và ngược lại.

Nghiên cứu của Chambers et al. (1984) cho thấy hệ số tương quan giữa khối lượng cơ thể và tăng trọng với tiêu tốn thức ăn thường rất cao (r=0,5-0,9), giữa sinh trưởng và chuyển hóa thức ăn có sự tương quan âm ( r= -0,2 → -0,8). Cùng nghiên cứu về mối tương quan tốc độ sinh trưởng và hiệu quả chuyển hóa thức ăn của gia cầm, Willson (1969) cho biết chúng có hệ số chuyển hóa r=0,5 với độ tuổi gia cầm từ 1-4 tuần tuổi.

Đối với gia cầm nuôi thịt, TTTĂ thường tính cho 1kg tăng khối lượng cơ thể, phụ thuộc vào dòng, giống, tính biệt, độ tuổi,… các giống có tốc độ tăng trọng nhanh sẽ TTTĂ ít hơn các giống có tốc độ tăng trọng thấp. Những giai đoạn tuổi đầu tiên TTTĂ thấp hơn so với giai đoạn sau.

TTTĂ của gia cầm còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, tình trạng sức khỏe,… Vậy TTTĂ là một chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật quyết định đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khả năng sinh trưởng và sinh sản gà liên minh nuôi tại công ty thiên thuận tường tỉnh quảng ninh (Trang 28 - 29)