Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trên địa bàn huyện lương tài, tỉnh bắc ninh (Trang 36 - 40)

Phần 2 Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở ở một số nước trên thế giới

Quan niệm về chính quyền cơ sở của các nước trên thế giới đều giống nhau ở chỗ: coi cấp chính quyền cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính nhà nước, là cấp chính quyền có tầm quan trọng đặc biệt, là cấp được ví như "chiếc cầu nối" giữa nhà nước, chính phủ với nhân dân. Thông qua chính

quyền cơ sở, chính phủ nắm được thực tế, nguyện vọng của nhân dân và khẳng định được uy tín trước nhân dân (Nguyễn Minh Phương, 2015).

Về tổ chức chính quyền cơ sở thì tuỳ hoàn cảnh, điều kiện mà có sự giống và khác nhau giữa các nước.

Theo Nguyễn Minh Phương (2015): Ở Pháp: Trong cơ cấu tổ chức chính

quyền địa phương, cấp xã là cấp cơ sở, cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính bốn cấp nhưng lại có vai trò cực kì quan trọng. Mỗi xã đều có người đứng đầu gọi là xã trưởng, bên cạnh đó có hội đồng xã. Tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quận trưởng (giống như cấp huyện ở nước ta); Ở Cộng hoà liên

bang Đức: cấp xã được ghi nhận trong Hiến pháp của liên bang Cấp xã tồn tại

với tư cách là đơn vị hành chính cơ sở thực hiện chế độ tự quản. Cấp xã chịu sự kiểm soát của cấp bang; Ở Thái Lan: Cấp cơ sở của vương quốc Thái Lan gọi là làng, là cấp hành chính cuối cùng trong mô hình năm cấp của Thái Lan. Đứng đầu cấp hành chính này là trưởng làng, do nhân dân trong làng bầu lên, có chức năng quản lý mọi mặt đời sống xã hội của dân làng. Ngoài ra còn có hội đồng làng cùng tham gia công tác tư vấn và quản lý công việc chung; Ở Inđônêxia: Trong hệ thống chính quyền địa phương, cấp làng hoặc thôn là cấp thứ tư. Mỗi làng hoặc thôn có một người đứng đầu gọi là trưởng làng hoặc trưởng thôn, là công chức nhà nước do huyện trưởng bổ nhiệm.

Như vậy, có thể nói tổ chức chính quyền địa phương ở các nước khác nhau tuy khác nhau song cũng có vài điểm tương đồng. Ta cũng có thể thấy rằng chính quyền cấp cơ sở ở Việt Nam (mà ở đây là chính quyền cấp xã) cũng có những điểm tương đồng cũng như khác biệt nhất định so với chính quyền cơ sở ở các nước nêu trên.

2.2.2. Quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã ở Việt Nam

Khác với chính quyền cơ sở của một số nước, chính quyền cơ sở của Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước thống nhất, bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước ở xã, phường, thị trấn do nhân dân ở xã, phường, thị trấn trực tiếp bầu ra và các cơ quan, tổ chức khác được thành lập trên cơ sở các cơ quan quyền lực nhà nước này theo quy định của pháp luật nhằm quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và kết hợp hài hoà giữa lợi ích nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước (Thang Văn Phúc và Chu Văn Thành Đồng, 2000).

Khái niệm chính quyền cơ sở là khái niệm phát sinh từ khái niệm hệ thống các cơ quan nhà nước ở cơ sở (xã, phường, thị trấn). Khái niệm này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều văn bản pháp luật của nhà nước. Khái niệm chính quyền cấp xã- cấp chính quyền cơ sở của một huyện- là một khái niệm được sử dụng nhiều trong tổ chức và hoạt động của nhà nước vào đời sống thực tế xã hội, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm chính quyền xã bao gồm những thiết chế nào, mối quan hệ và cơ chế hoạt động cụ thể của các bộ phận cấu thành. Xuất phát từ góc độ nghiên cứu lý luận, từ góc độ thực tiễn hay cách thức tiếp cận vấn đề nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà thực tiễn và quản lý tập trung vào quan niệm như sau: Chính quyền xã là khái niệm dùng chung để chỉ tất cả các cơ quan nhà nước (mang quyền lực nhà nước) đóng trên địa bàn xã; Chính quyền xã gồm hai phân hệ cơ quan – cơ quan quyền lực nhà nước ở xã (Hội đồng nhân dân) và cơ quan hành chính nhà nước ở xã (Uỷ ban nhân dân). (Thang Văn Phúc và Chu Văn Thành Đồng, 2000).

Khi xem xét thực trạng hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã ta phải đặt nó trong mối quan hệ biện chứng và thống nhất với hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp khác và chính quyền trung ương cũng như phải đặt nó trong bối cảnh chung của nền kinh tế xã hội nước ta trong thời kì đổi mới.

Khi xem xét hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã, tác giả xem xét thông qua chính những chức năng quản lý kinh tế - xã hội mà chính quyền xã đang thực hiện, đồng thời phải đặt nó trong quá trình thực hiện chức năng kinh tế - xã hội của nền hành chính nhà nước nói chung.

Trong quá trình phân tích hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã trong giai đoạn hiện nay, ta không thể không đặt nó trong sự tác động qua lại với các yếu tố khách quan cũng như chủ quan đã dẫn đến thực trạng này như các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nói chung và chủ trương, đường lối về công tác phát triển chính quyền cơ sở nói riêng; điều kiện kinh tế - xã hội của các xã, huyện, tỉnh cũng như cả nước; hay chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Bên cạnh đó, ta cũng không thể bỏ qua sự tác động trở lại của thực trạng hoạt động của chính quyền cấp xã tới những đối tượng quản lý của họ là quần chúng nhân dân hay tới hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp khác trong hệ thống hành chính nhà nước.

2.2.3. Những đặc điểm cơ bản về xã ở nước ta hiện nay

Tính đến ngày 12 tháng 7 năm 2018, Việt Nam có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.594 phường, 606 thị trấn và 8962 xã, trong đó có 336 xã thuộc các thành phố trực thuộc tỉnh, 299 xã thuộc các thị xã và 8336 xã thuộc các huyện (Bộ Nội Vụ, 2018).

Tỉnh Bắc Ninh với diện tích 822,7 km2, tổng dân số là 1,154 triệu người được chia thành 126 xã, phường, thị trấn (UBND huyện Lương Tài, 2017).

Về lãnh thổ, xã hiện nay ở nước ta chủ yếu được cấu thành từ các vùng nông thôn. Xã có vị trí địa lý được giới hạn trong địa giới hành chính của các huyện, là địa bàn có mật độ dân cư thấp.

Về dân cư, cộng đồng dân cư ở xã có sự gắn bó trực tiếp và chặt chẽ với nhau về các nhu cầu và lợi ích vật chất cũng như tinh thần. Dân cư của xã về cơ bản được là dân cư bản địa, sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, có trình độ học vấn và nhận thức xã hội thấp.

Về tổ chức, chính quyền cấp xã là chính quyền địa phương ở một đơn vị hành chính xác định. Tổ chức bộ máy hành chính cấp xã bao gồm toàn bộ các cơ quan, tổ chức hành chính được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.

Về kinh tế, chính quyền xã là một đơn vị ngân sách ở địa phương, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản….

Với những đặc điểm trên, hoạt động của chính quyền cấp xã có những điểm phức tạp riêng, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để tăng cường vị trí và vai trò của chính quyền cấp xã trong hệ thống chính trị nước ta giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trên địa bàn huyện lương tài, tỉnh bắc ninh (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)