Phân tích chi phí để ra quyết định

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) kế toán quản trị chi phí tại viễn thông đăk nông (Trang 45 - 51)

8. Tổng quan tài liệu nghiên cứu:

1.3.4. Phân tích chi phí để ra quyết định

Mục tiêu của kế toán quản trị là cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà quản lý để ra quyết định. Quyết định hàng ngày tại các doanh nghiệp rất đa dạng, thường liên quan đến việc định giá bán, tăng hay giảm số lượng hàng bán, thay đổi mức chi phí....

Sau khi lập dự toán chi phí, kiểm soát quá trình phát sinh chi phí thực hiện, KTQT chi phí sẽ sử dụng các phương pháp phân tích chi phí để ra các quyết định kinh doanh. Việc phân tích chi phí để ra các quyết định kinh doanh được thực hiện một cách linh hoạt tùy theo từng tình huống cụ thể nảy sinh trong thực tiễn hoạt động kinh doanh.

Phân tích chi phí để ra quyết định kinh doanh ngắn hạn được thực hiện trên cơ sở dữ liệu chi phí thực hiện đã thu thập có sự phân loại thành định phí và biến phí. đối với các chi phí hỗn hợp, trước khi phân tích cần sử dụng các phương pháp cực đại, cực tiểu hoặc phương pháp bình phương nhỏ nhất để phân tách thành định phí và biến phí.

- Hệ thống phương pháp sử dụng phân tích chi phí để ra quyết định kinh doanh ngắn hạn

+ Phương pháp phân tích Chi phí - Sản lượng - Lợi nhuận (CVP)

Phân tích mối quan hệ chi phí - sản lượng - lợi nhuận (gọi tắt là phân tích CVP) là một kỹ thuật được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của những thay đổi về chi phí, giá bán và sản lượng đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chi phí sử dụng trong nội dung phân tích này cần được phân loại theo cách ứng xử, tức là chi phí phải phân ra thành biến phí và định phí. Theo đó, phần định phí (bao gồm cả định phí sản xuất chung trong các doanh nghiệp sản xuất) được xem là chi phí thời kỳ để xác định kết quả kinh doanh. Việc phân loại chi phí theo cách ứng xử giúp nhà quản trị có thể ra các quyết định nhanh trên cơ sở các độ nhạy cảm khác nhau của thị trường. Đây là một lợi thế mà các cách phân loại chi phí khác không đáp ứng được.

Sản lượng là chỉ tiêu phản ánh mức bán hàng của doanh nghiệp. Sản lượng có thể đo lường bằng số lượng sản phẩm tiêu thụ hoặc doanh thu tiêu thụ. Lợi nhuận là chỉ tiêu phản ánh phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Khác với kế toán tài chính, lợi nhuận trong kế toán quản trị có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau để đáp ứng những nhu cầu thông tin nào đó khi ra quyết định. Trong nội dung phân tích này, lợi nhuận có thể phản ánh qua chỉ tiêu: số dư đảm phí, lợi nhuận thuần, hoặc lợi nhuận kinh doanh. Do vậy sẽ là không cần thiết khi đối chiếu các thuật ngữ về lợi nhuận ở đây với các chỉ tiêu về lợi nhuận trong kế toán tài chính.

Vấn đề đặt ra là tại sao phân tích mối quan hệ chi phí - sản lượng - lợi nhuận có tác dụng trong việc ra quyết định ? Để có lãi, tổng chi phí của doanh nghiệp phải nhỏ hơn tổng doanh thu. Một khi đã kinh doanh, doanh nghiệp phải phát sinh các định phí nhất định bất kể mức tiêu thụ tại doanh nghiệp. Mỗi lần bán hàng là mỗi lần phát sinh các biến phí đi kèm. Hoạt động kinh doanh vì thế trước hết phải xem xét doanh thu có bù đắp biến phí, tạo ra mức lợi nhuận để tiếp tục bù đắp định phí hay không. Vấn đề này đặt các nhà quản trị quan tâm đến cả giá bán, số lượng hàng bán trong mục tiêu chung về lợi

nhuận của doanh nghiệp. Một quyết định về giá bán của một sản phẩm có thể tạo ra lỗ cho kinh doanh sản phẩm đó, nhưng có thể lại kích thích tiêu thụ một sản phẩm khác của doanh nghiệp. Cho nên, phân tích mối quan hệ chi phí - sản lượng - lợi nhuận để ra quyết định phải đặt trong bối cảnh cụ thể tại doanh nghiệp, lấy mục tiêu của doanh nghiệp đặt hàng đầu.

Lãi trên biến phí = Doanh thu - Biến phí

Tỷ lệ Lãi trên biến phí = Lãi trên biến phí / Doanh thu Lợi nhuận thuần = Lãi trên biến phí - định phí

Điều này cho thấy sau điểm hoà vốn doanh nghiệp sẽ không phải bù đắp cho phần chi phí cố định đã được bù đắp bởi các sản phẩm hoà vốn của doanh nghiệp. Do vậy, cứ mỗi sản phẩm tiêu thụ sau điểm hoà vốn, doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận bằng phần chênh lệch giữa giá bán đơn vị với biến phí đơn vị của sản phẩm đó. Doanh nghiệp dễ dàng tính được lợi nhuận khi có sự thay đổi sản lượng sản phẩm tiêu thụ cũng như dễ dàng xác định được sản lượng tiêu thụ cần thiết để đạt được lợi nhuận dự kiến. đối với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nhiều loại sản phẩm với cơ cấu biến phí, định phí khác nhau, kế toán quản trị chi phí sẽ phân tích ảnh hưởng của cơ cấu sản phẩm sản xuất và tiêu thụ tới điểm hòa vốn và lợi nhuận của doanh nghiệp nhằm giúp các nhà quản lý lựa chọn cơ cấu sản phẩm tối ưu.

Sản lượng hòa vốn =

∑ Chi phí cố định

Lãi trên biến phí bình quân đơn vị Doanh thu hòa vốn =

∑ Chi phí cố định

Tỷ lệ lãi trên biến phí bình quân

Sản lượng đạt lợi

nhuận dự kiến =

(∑ Chi phí cố định + Lợi nhuận dự kiến)

Lãi trên biến phí bình quân đơn vị sản phẩm

Một vấn đề khó khăn khi áp dụng phương pháp phân tích CVP là đòi hỏi các chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải được phân loại thành định phí và biến phí mà thực tế hầu như các doanh nghiệp hiện nay không phân loại được. Bên cạnh đó, bản thân phương pháp phân tích CVP cũng có điểm hạn chế, đó là phân tích phải đặt trong những điều kiện giả định nhất định như giá bán phải như nhau ở mọi mức độ của sản lượng tiêu thụ, biến phí đơn vị không thay đổi với bất kỳ số lượng được sản xuất là bao nhiêu,... Vì vậy, mặc dù phân tích CVP có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khai thác khả năng của doanh nghiệp, là cơ sở trong việc đưa ra các quyết định về chính sách giá cả, chiến lược sản phẩm, mở rộng hoặc thu hẹp thị trường, kế hoạch sử dụng tài sản nhàn rỗi... nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận nhưng trên thực tế lại chưa được sử dụng rộng rãi trong việc đưa ra các quyết định quản trị.

+ Phương pháp phân tích thông tin thích hợp.

Phương pháp này là một quy trình chọn lọc, đơn giản hoá thông tin các phương án để cung cấp thông tin ngắn gọn, phù hợp, nhanh chóng và có trọng tâm cho chọn lựa một phương án kinh doanh [2,33] và sau đó dựa trên việc nhận diện các thông tin thích hợp để ra các quyết định kinh doanh ngắn hạn. Tiêu chuẩn về mặt kinh tế của việc chọn các quyết định ngắn hạn là phương án đó phải đem lại lợi nhuận cao nhất (doanh thu lớn nhất hoặc chi phí thấp nhất).

Bên cạnh đó, các quyết định đều liên quan đến tương lai và có sự so sánh giữa các phương án khác nhau.

Do vậy, thông tin thích hợp sẽ là các thông tin về chi phí và doanh thu liên quan đến các phương án kinh doanh đang được xem xét đồng thời các thông tin này phải có tính khác biệt giữa các phương án và phải là các thông tin liên quan đến tương lai (chi phí chìm phải được loại bỏ).

Áp dụng phương pháp phân tích thông tin thích hợp cần ghi nhận một điều quan trọng là những thông tin thích hợp trong một tình huống quyết định này không nhất thiết sẽ thích hợp trong tình huống khác hay nói cách khác các tình huống khác nhau sẽ sử dụng thông tin thích hợp khác nhau để quyết định.

- Tổ chức hệ thống báo cáo chi phí để ra quyết định ngắn hạn

Để phục vụ cho mục đích sử dụng nội bộ của các nhà quản trị doanh nghiệp trong phân tích CVP, doanh nghiệp tiến hành lập Báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử của chi phí. Báo cáo này phải thể hiện được ba chỉ tiêu chính là Doanh thu, Lãi trên biến phí và Lợi nhuận thuần.

Để phân tích thông tin thích hợp, doanh nghiệp phải nhận dạng đúng và đầy đủ các thông tin thoả mãn là thông tin thích hợp. Các thông tin đó có thể là các thông tin về doanh thu, định phí, biến phí,... Thiết lập Bảng phân tích thông tin thích hợp cho các phương án so sánh.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Trong chương này tác giả đã phân tích những nội dung chủ yếu của kế toán quản trị chi phí bao gồm: lập dự toán chi phí, Tổ chức chi phí thực hiện;Kiểm soát, đánh giá chi phí; Phân tích chi phí để ra quyết định. Trên cơ sở đó, làm rõ vai trò kế toán quản trị chi phí đối với quản trị doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tác giả đã luận giải việc kế toán quản trị chi phí cần tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn cũng như đặc điểm tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị để có thể phát huy tốt nhất vai trò của kế toán quản trị chi phí.

Đây là những cơ sở để phân tích thực trạng công tác tổ chức kế toán quản trị chi phí tại Viễn thông Đắk Nông từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại Viễn thông Đắk Nông.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ TẠI VIỄN THÔNG ĐẮK NÔNG

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) kế toán quản trị chi phí tại viễn thông đăk nông (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)