Giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 45 - 53)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.2.2. Giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên các lý thuyết được nêu ra trong phần lý luận, các biến được đưa ra các giả thuyết như sau:

H1: Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô càng lớn thì tính thanh khoản càng giảm.

Quy mô doanh nghiệp được xem là dấu hiệu đầu tiên để các nhà đầu tư biết đến doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp được xác định qua nhiều chỉ tiêu như: tổng tài sản, tổng nguồn vốn, doanh thu hay số lao động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có quy mô lớn thường có lợi thế trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các doanh nghiệp có quy mô lớn thường đa dạng hóa lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay bên ngoài với chi phí tài chính ít tốn kém hơn do tính kinh tế theo quy mô so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.

Trong nghiên cứu này, quy mô doanh nghiệp được đo lường bằng tổng doanh thu. Có một đặc điểm đáng lưu ý là đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng công nghiệp thì giá trị các đơn hàng là rất lớn nên khách hàng thường có xu hướng mua chịu. Vì vậy nên dù có doanh thu lớn nhưng lại đi kèm một khoản nợ phải thu khá lớn sẽ làm giảm tính thanh khoản của doanh nghiệp.

H2: Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có khoản mục nợ ngắn hạn càng cao thì tính thanh khoản càng giảm.

Hầu hết các công ty trong ngành khoáng sản đều sử dụng đòn bẩy nợ cao. Do đó, đối với các công ty trong ngành này, nhà đầu tư cần chú ý khi thấy công ty sử dụng quá nhiều nợ. Một tín hiệu hữu ích về mức nợ của công ty là tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng tài sản. Tỷ số này cao có nghĩa là công ty đang ở trong tình thế có nhiều rủi ro.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, đối với ngành khoáng sản, một công ty có tỷ lệ nợ trên tổng tài sản hơn 40% là có một vài rủi ro, và nếu một công ty có tỷ số này trên 70% thì đó thực sự là một tín hiệu xấu.

H3: Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thời gian tồn kho càng lớn thì tính thanh khoản càng giảm.

Hàng tồn kho chiếm một phần lớn trong tỷ lệ tài sản kinh doanh của doanh nghiệp, bởi vì doanh thu từ hàng tồn kho là một trong những nguồn cơ bản tạo ra thu nhập của doanh nghiệp. Thông thường, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh thêm của nó, hay nói cách khác, nếu để hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến quá trình kinh doanh do doanh nghiệp phải tốn chi phí dự trữ, chi phí thanh lý hàng hư hỏng, lỗi thời...

Các công ty thường dự trữ hàng tồn kho ở một mức nhất định trong chiến lược dự trữ hàng hóa của mình, nên việc quan sát xu hướng biến động của hàng tồn kho có thể giúp nhà đầu tư nhận biết được tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để đánh giá tốc độ luân chuyển hàng tồn kho, người ta thường sử dụng chỉ tiêu thời gian tồn kho. Thông thường hệ số này càng cao chứng tỏ hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều, doanh nghiệp bán hàng nhanh và hiệu quả kinh doanh tốt. Và một khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp nâng cao tính thanh khoản của doanh nghiệp.

H4: Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có ROA càng lớn thì tính thanh khoản càng cao.

Các nhà đầu tư, các cổ đông và các nhà quản lý đặc biệt quan tâm đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp.Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cung cấp các thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. ROA nối kết các kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động đầu tư của một công ty, không kể đến việc công ty đã dùng nguồn vốn nào để phục vụ cho các hoạt động đầu tư của mình. Như vậy, ROA cố gắng đo lường thành công của một công ty trong việc sản xuất và bán hàng hóa cho khách hàng. Hay nói cách khác, hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua chỉ tiêu ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn. Do đó, ROA có ảnh hưởng đến tính thanh khoản của công ty. ROA càng lớn thì thanh khoản của công ty càng cao và ngược lại.

H5: Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tài sản ngắn hạn càng cao thì tính thanh khoản càng cao.

Tài sản ngắn hạn là một chỉ tiêu tổng hợp quan trọng được dùng để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn hay không? Hay tài sản cố định của doanh nghiệp có được tài trợ một cách vững chắc bằng nguồn vốn dài hạn không?

Trong mối liên hệ với nợ ngắn hạn thì tài sản ngắn hạn sẽ được đại diện bởi chỉ tiêu vốn lưu động ròng.

Khi vốn lưu động ròng âm nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư tài sản dài hạn bằng một phần nguồn vốn ngắn hạn; hay tài sản ngắn hạn không đủ đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ ngắn hạn. Lúc này, cán cân thanh toán của doanh nghiệp mất thăng bằng.

Khi vốn lưu động ròng dương, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp được tài trợ vững chắc bởi nguồn vốn ngắn hạn, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng càng lớn càng thể hiện tính tự chủ cao về tài chính của doanh nghiệp.

Nếu giá trị tài sản ngắn hạn tăng lên và giá trị nợ ngắn hạn cũng tăng lên tương ứng nhưng với mức độ thấp hơn thì lúc đó tính thanh khoản của doanh nghiệp sẽ tăng lên (do vốn lưu động ròng dương) và ngược lại.

Hơn nữa, nghiên cứu của Lê Hoàng Vinh (2015) [16] cũng cho thấy mối tương quan thuận chiều giữa tài sản ngắn hạn và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong nghiên cứu này, giả thuyết đặt ra là tài sản ngắn hạn có ảnh hưởng tích cực đến tình trạng thanh khoản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tài sản ngắn hạn càng lớn thì tính thanh khoản càng cao và ngược lại.

2.2.3. Phương pháp nghiên cứu

a. Chọn mẫu

Đối tượng của nghiên cứu tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, với yêu cầu chọn mẫu bao gồm các báo cáo tài chính trong 3 năm 2012, 2013, 2014 của các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuối cùng, số mẫu được chọn là 35 doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được nêu cụ thể trong Phụ lục 1.

Nội dung nghiên cứu tập trung vào việc đo lường tính thanh khoản của các doanh nghiệp, sau đó thu thập số liệu tương ứng về các yếu tố quy mô, nợ ngắn hạn, thời gian tồn kho, ROA và tài sản ngắn hạn qua các chỉ tiêu cụ thể, từ đó xây dựng mô hình hồi quy về sự ảnh hưởng của các yếu tố trên đến tính thanh khoản của doanh nghiệp.

b. Đo lường tính thanh khoản

Qua các tỷ số thanh khoản đã nêu ở phần trên bao gồm: tỷ số thanh toán hiện hành, tỷ số thanh toán nhanh, tỷ số thanh toán tức thời và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, tác giả nhận thấy chỉ tiêu tỷ số thanh toán hiện hành sẽ phù hợp hơn khi đo lường tính thanh khoản của doanh nghiệp. Bởi trong công thức tỷ số thanh toán nhanh và tỷ số thanh toán tức thời vô hình chung đã triệt tiêu năng lực thanh toán không bằng tiền của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tức là chưa tính đến khả năng doanh nghiệp dùng một lượng hàng hóa mà thị trường có nhu cầu cao có thể bán ngay được hoặc xuất đối lưu; chưa tính đến khoản phải thu mà khi cần đơn vị có thể bù trừ khoản nợ phải trả cho các chủ nợ. Và như vậy, sẽ sai lầm khi lượng tiền của doanh nghiệp có thể ít, khoản đầu tư ngắn hạn có thể không có nhưng lượng hàng hóa, thành phẩm tồn kho có thể bán ngay lớn, khoản phải thu có thể bù trừ được ngay cho các khoản phải trả nhiều, mà lại đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp. Do đó, trong nghiên cứu này tác giả sử dụng chỉ tiêu tỷ số thanh toán hiện hành để đo lường tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có chỉ tiêu tỷ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1 có tình trạng thanh khoản tốt, ngược lại nếu tỷ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp đang trong tình trạng kém thanh khoản.

c. Mô hình nghiên cứu

Cũng như nhiều nghiên cứu có liên quan, tác giả sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính bội theo phương pháp bình phương bé nhất (OLS) với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng của mỗi biến giải thích tính thanh khoản thông qua chỉ tiêu tỷ số thanh toán hiện hành. Mô hình hồi quy tuyến tính được sử dụng để kiểm định các giả thuyết được đặt ra ở trên.

Mô hình hồi quy tổng thể có dạng sau:

Yi,t = β0 + β1X1i,t + β2X2i,t + β3X3i,t + β4X4i,t + β5X5i,t + ei,t

Trong đó:

Chỉ số i đại diện cho từng doanh nghiệp, chỉ số t đại diện cho năm quan sát

Yi,t: tính thanh khoản (hệ số thanh toán hiện hành) của doanh nghiệp i vào năm t

X1i,t: Quy mô của doanh nghiệp i vào năm t

X2i,t: Nợ ngắn hạn/tổng tài sản của doanh nghiệp i vào năm t X3i,t: Thời gian tồn kho của doanh nghiệp i vào năm t

X4i,t: ROA của doanh nghiệp i vào năm t

d. Mã hóa các biến quan sát

Bảng 2.1. Mã hóa các biến trong mô hình

Biến độc lập

Nhân tố Biến mã hóa

Quy mô doanh nghiệp X1

Nợ ngắn hạn X2

Thời gian tồn kho X3

Tỷ suất sinh lợi của tài sản X5

Tài sản ngắn hạn X6

Biến phụ thuộc Tỷ số thanh toán hiện hành (Khh) Y1

e. Đo lường các biến

Biến X1: Quy mô doanh nghiệp được đo lường như sau: Lấy Logarith của doanh thu.

Biến X2:: Nợ ngắn hạn, nghiên cứu này sử dụng tỷ lệ Nợ ngắn hạn/Tổng tài sản.

Biến X3: Thời gian tồn kho được đo lường bằng cách lấy giá trị hàng tồn kho bình quân chia cho giá vốn hàng bán trung bình ngày (Giá trị hàng tồn kho bình quân/ Giá vốn hàng bán trung bình ngày).

Biến X4: Tỷ suất sinh lợi của tài sản (ROA) được tính bằng cách lấy lợi nhuận trước thuế chia cho tổng tài sản ((Lợi nhuận trước thuế/Tổng tài sản) x 100%).

Biến X5: Tài sản ngắn hạn.

hạn chia cho nợ ngắn hạn (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn).

Trong mô hình này từ biến thứ nhất đến biến thứ năm là biến nguyên nhân, nằm ở vế phải phương trình. Biến Y là biến kết quả nằm ở vế trái phương trình.

Năm biến nguyên nhân và biến kết quả trong mô hình nghiên cứu đề nghị là các dữ liệu thứ cấp có sẵn, trích từ nguồn là các báo cáo tài chính trong 3 năm 2012, 2013, 2014 của các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 45 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)