6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.6.1. Lý thuyết các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin
Theo các nghiên cứu trước, lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin gồm: Lý thuyết đại diện, lý thuyết dấu hiệu, lý thuyết chi phí chính trị, lý thuyết về chi phí sở hữu.
a. Lý thuyết đại diện
Lý thuyết đại diện cho rằng một doanh nghiệp không phải là thực thể thống nhất, duy nhất. Lý thuyết đại diện đã chỉ ra được mối quan hệ doanh nghiệp cổ đông, nhà quản lý và các chủ nợ. Có mục tiêu chung đó là lợi ích. Nhưng không phải lúc nào lợi ích cũng giống nhau. Nếu cả hai bên tối đa hóa lợi ích thì nhà quản lý có thể điều hành quản lý dưới sự giám sát của cổ đông. Do đó mức độ công bố thông tin càng nhiều, càng chi tiết rõ ràng càng giảm bớt chi phí nhà quản lý và giảm sự nghi ngờ giữa lợi ích của nhà quản lý và cổ đông. Một số các nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin liên quan đến lý thuyết này như là quy mô doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính, khả năng sinh lời qua các nghiên cứu của Wallace (1995), Owusu – Ansah (1998). Các doanh nghiệp có quy mô lớn thường công bố thông tin nhiều hơn. Chi phí đại diện phụ thuộc vào kích cỡ doanh nghiệp (Rodriguez Pere, 2004). Vì vậy các doanh nghiệp có quy mô lớn thường công bố thông tin nhiều hơn đển giảm chi phí này. Tương tự, theo lý thuyết này các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao thường phải làm rõ, chi tiết các thông tin của chủ nợ, vì vậy sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính thấp. Chính vì sự xung đột lợi ích có thể xảy ra khi thông tin không đầy đủ, bất đối xứng nên lợi nhuận cao, mức độ sinh lời cao cũng cần phải công bố thông tin nhiều hơn để hạn chế xảy ra vấn đề này.
b. Lý thuyết dấu hiệu
Lý thuyết dấu hiệu được giả định là thông tin không bằng nhau có sẵn cho các bên cùng một lúc và thông tin không đối xứng có thể dẫn đến giá trị thấp cho một chính sách đầu tư tối ưu khác. Lý thuyết dấu hiệu cho rằng các quyết định tài chính của công ty là các dấu hiệu được gửi đi bởi các nhà quản lý cho các nhà đầu tư để xem xét những thông tin phản hồi và dấu hiệu này là nền tảng cho chính sách truyền thông tài chính. Lý thuyết tín hiệu giả định rằng các công ty có kết quả hoạt động tốt thường sử dụng thông tin tài chính như là một công cụ truyền tín hiệu đến thị trường (Ross, 1997). Các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao thì có xu hướng công bố thông tin nhiều hơn các doanh nghiệp có khả năng sinh lời thấp, việc công bố thông tin nhiều để tạo niềm tin, và thu hút NĐT (Singhvi, Desai, 1971). Quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời và mức độ tăng trưởng là các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin của các doanh nghiệp, việc công bố nhiều sẽ là một tín hiệu hướng các nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp.
c. Lý thuyết chi phí chính trị
Lý thuyết về ảnh hưởng của chính trị cho rằng các nhà quản lý nhà nước ra quyết định có liên quan đến lợi ích của công ty (chẳng hạn chính sách thuế, hạn chế độc quyền, cạnh tranh,…) dựa trên thông tin được công bố bởi các công ty (Watts và Zimmerman, 1986). Các công ty sẽ công bố thông tin tự nguyện nhiều hơn để hạn chế chi phí chính trị này. Quy mô và mức độ sinh lời thôi thúc các công ty công bố nhiều thông tin hơn để giảm các chi phí này. Các công ty lớn hơn phải chịu chi phí chính trị cao hơn, dẫn đến mức độ CBTT lớn hơn (Watts và Zimmerman, 1986). Một mức độ CBTT cao hơn mong đợi sẽ ủng hộ cho một mức lợi nhuận lớn hơn cho công ty vì vậy tránh đi trách nhiệm pháp lý (Lang và Lungholm, 1993) và cũng như một sự biện minh cho mức độ lợi nhuận của công ty (Giner, 1997). Chi phí chính trị và
môi trường cạnh tranh cũng ảnh hưởng đến mức độ thông tin được công bố trong một lĩnh vực (Mora và Rees, 1996).
d. Lý thuyết chi phí sở hữu
Các chi phí sở hữu được xem xét như một hạn chế quan trọng của việc CBTT. Những bất lợi của cạnh tranh ảnh hưởng đến quyết định cung cấp các thông tin riêng tư. Nhiều nhà nghiên cứu giả thuyết rằng việc công bố thông tin nhiều hơn đến nhà đầu tư có thể làm tổn hại đến vị trí cạnh tranh của công ty trên thị trường (Verecchina (1983), Darrough và Stoughton (1990), Feltham và Xie (1992). Các nghiên cứu này cho rằng các doanh nghiệp được khuyến khích không công vố thông tin để mà làm giảm vị thế cạnh tranh của họ mặc dầu chi phí huy động vốn có thể cao hơn.
Lý thuyết này được mở rộng trong nghiên cứu của Verrrecchina (2001) và Dye (2001), lý thuyết này được giả định rằng không có mâu thuẫn giữa nhà quản trị và chủ sở hữu và các công bố tự nguyện là luôn luôn có thể tin cậy được.
Các nghiên cứu trước cũng xem xét chi phí bắt nguồn từ việc tập hợp và chuẩn bị thông tin như một sự cản trở trong việc tiết lộ nhiều hơn thông tin tình nguyện. Kích cỡ công ty đóng một vai trò quan trọng để hạn chế tối thiểu những chi phí này, nó giảm đi đối với những công ty lớn hơn (Land và Lundholm, 1993).
Dựa vào các lý thuyết nêu trên, và những nghiên cứu trước đây đã dùng các biến như quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, chất lượng kiểm toán… để giải thích mức độ công bố thông tin của các ngân hàng thương mại Việt Nam.