Lịch sử và phát triển

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin trong báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 45 - 50)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1. Lịch sử và phát triển

Sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam được đánh dấu thông qua thành lập ngân hàng trung ương Việt Nam vào ngày 6 tháng 5 năm 1951. Tuy nhiên các NHTM có lịch sử ra đời ngắn hơn nhiều. Lĩnh vực ngân hàng ra đời từ cách đây 23 năm, vào tháng 5/1990 với sự ra đời của 2 sắc lệnh quan trọng gồm: sắc lệnh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sắc lệnh về các ngân hàng, các hợp tác xã tín dụng và các công ty tài chính. Quy định này thực sự đưa Việt Nam từ một nước có hệ thống ngân hàng độc nhất sang hệ thống ngân hàng hai cấp mà ở đó chức năng của ngân hàng nhà nước được thu hẹp lại, chỉ còn giám sát chính sách tiền tệ, phát hành tiền, quản lý hệ thống tín dụng, giám sát các ngân hàng thương mại, quản lý dự trữ ngoại hối với mục tiêu hàng đầu là bình ổn tiền tệ và kiểm soát lạm phát, trong khi chức năng trung gian tài chính (huy động và phân bổ vốn) được chuyển sang cho các ngân hàng thương mại.

Trong suốt hai thập kỷ kể từ lần cải cách đầu tiên, ngành ngân hàng đã phát triển mạnh mẽ, ít nhất là ở số lượng các ngân hàng. Từ hệ thống một ngân hàng độc nhất - với ngân hàng nhà nước đồng thời kiêm cả chức năng của ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương, hệ thống ngân hàng đã trở nên đông đảo với 150 ngân hàng và hơn 1.100 tổ chức tín dụng phi ngân

hàng chỉ trong vòng 23 năm. Sự phát triển tập trung vào hai giai đoạn và hai nhóm ngân hàng. Thập niên 90' là thời đại của các NHTMCP và giai đoạn đầu những năm 2000 đánh dấu thời điểm tham gia của các ngân hàng nước ngoài.

Số lượng các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) vẫn ổn định, từ bốn NHTMNN được thành lập ban đầu, chỉ có một ngân hàng Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) được thành lập thêm vào năm 1997. Trong khi đó, số lượng các NHTMCP tăng mạnh trong thập kỷ 90', lên đỉnh điểm với 51 ngân hàng trong năm 1996, nhưng đã giảm dần từ đó xuống còn 34 ngân hàng do các quy định liên quan tới vốn điều lệ tối thiểu và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, dẫn đến việc sáp nhập và hợp nhất của một loạt các ngân hàng nhỏ và yếu kém.

a. Ngân hàng thương mại nhà nước

Hiện nay có năm NHTMNN ở Việt Nam, trong đó bốn ngân hàng lớn nhất hệ thống: NHTMCP Ngoại thương (VCB), NHTMCP Công thương (CTG), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). NHTMNN còn lại là Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) được thành lập năm 1997 với quy mô nhỏ.

Để hoàn thành quá trình mở cửa thị trường ngân hàng trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài và tăng tính cạnh tranh cho các ngân hàng trong nước, chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2006/QD-TTg, đặt mục tiêu cổ phần hóa các NHTMNN và cho tới năm 2010 sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở các ngân hàng này xuống còn 51%. Tuy nhiên quá trình cổ phần hóa tất cả các NHTMNN đã diễn ra khá chậm so với mục tiêu của chính phủ. Tính đến thời điểm tháng 04/2011, chỉ có VCB và CTG đã bán thành công cổ phần cho các nhà đầu tư cá nhân. VCB trở thành NHTMNN đầu tiên chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng, với 6,5% cổ phần được bán ra trị giá 10,5

nghìn tỷ VND (khoảng 652 triệu USD) vào tháng 12/2007. CTG cũng thành công chào bán được 4% cổ phần trị giá 1,1 nghìn tỷ VND (khoảng 64 triệu USD) vào tháng 12/2008. Kế hoạch cổ phần hóa của ba NHTMNN còn lại bị hoãn lại do tình hình yếu kém của thị trường chứng khoán trong nước. Kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 14,34% cổ phần ra công chúng của MHB được thông qua vào tháng 04/2010. Tuy nhiên, phải đến tháng 07/2011, MHB mới huy động được 196,8 tỷ VND từ công chúng, tương đương với 9% cổ phần của ngân hàng. BIDV ban đầu có kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng vào năm 2008 nhưng đã bị hoãn lại hai lần. Ngân hàng này đã lên kế hoạch bán 20% cổ phần, trong đó 10% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Cuối cùng, trước kỳ vọng cao từ phía thị trường, BIDV đã chào bán 3,68% cổ phần trong lần phát hành đầu tiên ra công chúng vào tháng 12/2011, thu về 1.575 nghìn tỷ VND (tương đương 75 triệu USD), nhưng 40% sổ cổ phiếu được phát hành đã được mua bởi nhân viên BIDV và cổ phiếu ngân hàng này vẫn chưa được niêm yết. Đối với trường hợp của Agribank, vào tháng 02/2009, NHNN đã chấp thuận kế hoạch để Agribank trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà nước. NHNN đã đề cập đến việc Agribank sẽ không tiến hành cổ phần hóa trong ít nhất năm năm tới.

Tại diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam vào tháng 12/2013, tình hình tư nhân hóa các NHTMNN đã được cập nhật. Ở sự kiện này, Thủ tướng phát biểu rằng Nhà nước sẽ tiếp tục bán các cổ phần của mình ở bốn NHTMNN trong năm 2014 và 2015. Thêm vào đó, việc cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước sẽ được khởi động, với mục tiêu hoàn thành kế hoạch vào năm 2020. Mặc dù diễn ra chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu, Chính phủ vẫn đang thể hiện cam kết của mình đối với kế hoạch tư nhân hóa các NHTMNN và doanh nghiệp nhà nước. Tốc độ của quá trình cổ phần hóa và số

lượng cổ phiếu của các NHTMNN sẽ được chào bán phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm sắp tới. Nguồn cung cổ phiếu ồ ạt nói chung có khả năng sẽ tạo áp lực khiến thị trường chứng khoán đi xuống.

b. Ngân hàng thương mại cổ phần

Tính đến 30/06/2013, Việt Nam có 34 NHTMCP với nhóm chín ngân hàng dẫn đầu có tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ VND. Tổng vốn điều lệ của các NHTMCP ở Việt Nam đạt trên 160 nghìn tỷ VND tại thời điểm 30/12/2012, lớn gấp đôi so với con số 75 nghìn tỷ VND ở khu vực NHTMNN. Số lượng các NHTMCP áp đảo số lượng NHTMNN nhưng tính riêng vốn điều lệ của từng NHTMCP lại thấp hơn rất nhiều so với vốn điều lệ của một NHTMNN. Cụ thể, một nửa số NHTMCP có số vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ VND và chỉ có bốn NHTMCP bao gồm NHTMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), NHTMCP Sài Gòn (SCB) và NHTMCP Quân đội (MBB) có số vốn điều lệ trên 10.000 tỷ VND. Ngân hàng nhỏ nhất ở khu vực NHTMNN trừ MHB có số vốn điều lệ trên 23.000 tỷ VND trong khi EIB, NHTMCP lớn nhất, chỉ có 12.355 tỷ đồng vốn điều lệ. Sáu trong 34 NHTMCP là công ty đại chúng bao gồm EIB, STB, MBB, NTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Sài Gòn (SHB) và NHTMCP Nam Việt (NVB).

NHTMCP là nhóm ngân hàng có nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong khoảng thời gian trước năm 2005, phần lớn các thương vụ M&A diễn ra giữa các ngân hàng trong nước với nhau. Khi đó, rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đã được mua lại và sáp nhập. NHTMCP Phương Nam đã mua lại các ngân hàng: NHTMCP Nông thôn Đồng Tháp, Ngân hàng Châu Phú, Ngân hàng Đại Nam và Ngân hàng Cái Sắn. STB mua Ngân hàng Nông thôn Thanh Thắng, và NHTMCP Phương Tây mua Ngân hàng Nông thôn Tây Đô.

Từ sau năm 2005, các hoạt động M&A ở khu vực NHTMCP đã thay đổi nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là các đối tác nước ngoài đầu tư vốn vào ngân hàng và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Sự tham gia của các đối tác nước ngoài ở các NHTMCP đã thực sự trở thành xu hướng ngày càng gia tăng ở ngành ngân hàng Việt Nam. Việc tham gia vào các NHTMCP sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiết kiệm thời gian và chi phí khi lần đầu bước chân vào một thị trường mới và đổi lại, các NHTMCP sẽ nhận được không chỉ vốn mà còn có sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật tốt hơn từ những nhà đầu tư chiến lược này.

c. Ngân hàng nước ngoài

Các ngân hàng nước ngoài (NH nước ngoài) có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ hàng rào và cho phép các ngân hàng nước ngoài mở các chi nhánh hoặc thành lập các ngân hàng liên doanh với ngân hàng Việt Nam theo Sắc lệnh về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và các công ty tài chính năm 1990.

Trong những năm đầu thập niên 90, chỉ có bốn ngân hàng liên doanh giữa NHTMNN và NH nước ngoài được thành lập.

Tuy vậy, phải đến tận năm 1999, một làn sóng các chi nhánh của các NH nước ngoài mới xuất hiện ở Việt Nam. Trong vòng hai năm, con số này tăng lên thành 25 chi nhánh, và cho tới nay, nó đã vươn tới con số 50. Một số cái tên lớn có thể kể đến là Ngân hàng Deustche Bank Vietnam, Ngân hàng Citibank Vietnam, Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Ngân hàng Tokyo- Mitsubishi UFJ.

Một cách tiếp cận khác các NH nước ngoài thường dùng để tiếp cận thị trường Việt Nam là mở các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Đây cũng là một kết quả của việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và chính thức mở cửa thị trường tài chính. Cho tới nay, năm

cái tên lớn đã nhận được giấy phép hoạt động để mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài, đều vào năm 2008, bao gồm ngân hàng HSBC, ngân hàng ANZ, ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Shinhan Việt Nam và Ngân hàng Hong Leong.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các ngân hàng nước ngoài có thể mua cổ phần ở các ngân hàng Việt Nam. Sự hợp tác chiến lược này có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với các ngân hàng trong nước, quan hệ hợp tác chiến lược sẽ mang lại cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính, các quy trình chuyên nghiệp, chuyên môn và công nghệ hiện đại; còn đối với một ngân hàng nước ngoài thì mạng lưới chi nhánh và nguồn khách hàng trong nước là thứ mà họ nhắm đến trong mối quan hệ chiến lược này.

Năm 2007 và 2008 được coi là thời kỳ đỉnh điểm của các hoạt động M&A ở khu vực ngân hàng Việt Nam với hơn 10 thương vụ thành công. Tuy nhiên, năm 2011 và 2012 lại chứng kiến những thương vụ M&A với giá trị kỷ lục. Tiêu điểm của thị trường M&A năm 2011 là việc ngân hàng Mizuho mua lại 15% cổ phần của VCB trị giá 567,3 triệu USD. Năm 2012, ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ trở thành đối tác chiến lược của CTG với thương vụ gây choáng váng trị giá 743 triệu USD để mua toàn bộ 20% cổ phần ở ngân hàng này. Hai thương vụ nhắm đến hai NHTMNN lớn là minh chứng lớn nhất cho sự chào đón từ khu vực ngân hàng, vốn là khu vực thận trọng nhất ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin trong báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)