Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỪ THỰC TIỄN TỈNH TUYÊN QUANG (Trang 32 - 34)

Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển lâu dài, bền vững đối với bất cứ một doanh nghiệp nào. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc xây dựng, thực hiện các chính sách trợ giúp cho DNNVV đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các nội dung sau:

Một là, thực hiện hỗ trợ tài chính để phát triển khoa học và công nghệ. Ngày 05/8/2011, TTCP đã ban hành Quyết định số 1342/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 03/7/2013 ban hành Điều lệ và Tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Đây là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Vốn điều lệ của Quỹ là một nghìn tỷ đồng do ngân sách nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ cấp. Quỹ được cấp vốn bổ sung hằng năm từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ của Quỹ. Ngoài ra, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh

nghiệp được phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ. Đây là những kênh pháp lý quan trọng giúp cho các DNNVV có thể tiếp cận, sử dụng kinh phí cho hoạt động đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật.

Hai là, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. BKHCN đã ban hành Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN và Thông tư số 05/2013/TT- BKHCN xác định rõ hơn thủ tục đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Việc hỗ trợ DNNVV đăng ký sở hữu công nghiệp đã có một số kết quả khả quan. Chỉ tính riêng trong năm 2011, có 17.053 đơn đăng ký của DNNVV, trong đó có 7.800 lượt DNNVV được tư vấn, 13.388 đơn được cấp văn bằng bảo hộ [1, tr. 35].

Ba là, khuyến khích DNNVV ứng dụng, đổi mới công nghệ. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của TTCP đã có những tác động tích cực tới các DNNVV. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia có thể làm chủ được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm. Nhà nước cũng có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp đối với thị trường khoa học và công nghệ. Điều 46, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/01/2014

quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ

có nêu: Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước

Ngoài ra còn có nhiều chính sách hỗ trợ thông tin khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Chợ công nghệ và thiết bị online, các hội chợ Techmart hằng năm hoạt động khá hiệu quả. Trung bình mỗi Techmart có hơn 300 gian hàng giới thiệu hàng nghìn công nghệ, thiết bị. Đây là một kênh hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh với chi phí thấp; giúp kết nối cung - cầu, tìm hiểu, đặt hàng, giao dịch mua bán, chuyển giao công nghệ, thiết bị. Nhiều tỉnh, thành phố cũng tổ chức các Techmart ở địa phương nhằm hỗ trợ cho doanh

nghiệp đổi mới, nâng cao công nghệ.

Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp đổi mới công nghệ, trình độ kỹ thuật cho

DNNVV cũng còn nhiều hạn chế. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, BKHĐT, chỉ có khoảng 8% số DNNVV đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Các DNNVV khó tiếp cận những chính sách trợ giúp và các chương trình ưu đãi của Chính phủ do nguồn lực của bản thân doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế đủ mạnh để buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Tuy Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm và cũng chưa đầu tư.

Khả năng tiếp cận vốn để đầu tư vào khoa học công nghệ của DNNVV từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các địa phương còn nhiều hạn chế, lý do là quy định về điều kiện cho vay của các quỹ là khá khắt khe, như doanh nghiệp phải có số năm liên tiếp có lãi, phải có tài sản bảo đảm lớn… những điều kiện này chỉ có doanh nghiệp mạnh mới có thể đáp ứng. Việc thành lập, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/2/2011 của BTC trên thực tế chưa phát huy hiệu quả, vì lợi nhuận của DNNVV thường là ít nên kinh phí để thành lập quỹ là nhỏ. Một số chương trình, hoạt động liên quan đến trợ giúp đổi mới công nghệ cho DNNVV chưa có hoặc chậm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; hoạt động khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; việc liên kết giữa DNNVV với các trường đại học, viện nghiên cứu trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới…

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỪ THỰC TIỄN TỈNH TUYÊN QUANG (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w