chọn lọc
Có thể thấy tinh thần chung nhất trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV là đưa ra biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNNVV thông qua thiết lập đồng bộ các nội dung, chương trình hỗ trợ DNNVV. Các chương trình hỗ trợ được thực hiện ngay từ khi khởi nghiệp (là quá trình thực hiện ý tưởng kinh doanh, bao gồm quá trình thành lập và vận
hành doanh nghiệp trong vòng 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN lần đầu) đến khi xúc tiến mở rộng thị trường, tức là tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, bao gồm cả hội nhập quốc tế. Như vậy chương trình hỗ trợ là khép kín, không phân khúc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong suốt cả một quá trình sản xuất, kinh doanh, tránh được sự rải rác, thiếu thống nhất trong các chính sách hỗ trợ, điều này thực sự rất có lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, khả năng hỗ trợ là không bao giờ đủ, ngân sách nhà nước dù có lớn đến đâu cũng không thể đáp ứng được nhu cầu cần được hỗ trợ ngày càng lớn từ phía các DNNVV. Nền kinh tế thị trường với một sân chơi bình đẳng, nơi các doanh nghiệp được tự do phát triển theo khả năng và năng lực của mình, nhưng nó cũng đem lại sự khắc nghiệt vốn có, sức sép giá cả, cạnh tranh, hội nhập có thể gây ra những tổn thương rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động. Do vậy, các nội dung, chương trình hỗ trợ của Nhà nước cần được thực hiện một cách có chọn lọc, không thể “ôm đồm” dùng các công cụ quản lý nhà nước để hỗ trợ các DNNVV, tránh sự “bao cấp”. Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cần dành cho những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng sáng tạo; cần phân chia các nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ với các mức khác nhau chứ không cào bằng, không tạo ra sự “bao cấp” cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển, có nguy cơ cao phải giải thể, phá sản.
Ở cấp độ địa phương cũng vậy. Số lượng DNNVV ở tỉnh Tuyên Quang chiếm đến 99,7% tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Nếu thực hiện việc hỗ trợ dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, trong khi nguồn lực hạn chế thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề đang là lợi thế của địa phương, gắn với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong từng giai đoạn.