III. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
3.1. Phân tích, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện các nội dung quản lý nhà
quản lý nhà nước về đất đai
Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn được UBND tỉnh An Giang quan tâm, chỉ đạo sát sao trên tinh thần bám sát các nội dung quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. So với thời kỳ trước, trong giai đoạn 2011-2015, công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh An Giang có những nội dung bổ sung như sau:
3.1.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó
Trên cơ sở Luật Đất đai 2013, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, Ngành Trung ương, tỉnh An Giang đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai thuộc thẩm quyền ban hành như sau:
Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh An Giang ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức.
Quyết định số 45/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh An Giang ban hành quy định và bảng giá các loại đất năm 2015 áp dụng cho 05 năm (2015-2019) trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 30/3/2015 của UBND tỉnh An Giang quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 17/11/2015 của UBND tỉnh An Giang ban hành quy định về trình tự, thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác ban hành các văn bản quy phạm về quản lý, sử dụng đất đai kịp thời; công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai cho cán bộ và người dân đã góp phần vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh An Giang.
3.1.2. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất
Công tác khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đến nay, tỉnh An Giang đã thành lập hệ thống bản đồ địa chính chính quy 03 cấp cho 156 xã, phường, thị trấn; sổ địa chính mới chỉ lập cho 27 xã chiếm 17,6% số xã, phường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BTNMT ngày 16/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014, đến nay tỉnh An Giang đã có 156/156 đơn vị xã, phường, thị trấn và 11/11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.
Công tác lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất được tiến hành song song với việc lập quy hoạch sử dụng đất của các cấp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã lập được hệ thống bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, gồm: 01 bản đồ cấp tỉnh, 11/11 bản đồ cấp huyện.
Công tác điều tra xây dựng bảng giá đất hàng năm được UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyền và Môi trường chủ trì thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, tổng hợp và đánh giá tình hình chuyển nhượng đất, giá
đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tình hình biến động giá đất để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất của tỉnh và xây dựng bảng giá đất hàng năm. Trong quá trình thực hiện có phối hợp với Sở, ngành có liên quan, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, phòng ban chuyên môn thuộc huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra, đánh giá và thẩm định trước khi trình HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh ban hành để thực hiện.
3.1.3. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập đồng bộ ở các cấp đảm bảo đủ quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh An Giang được phê duyệt tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 28/4/2013 của Chính phủ và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 11 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Công tác quản lý đất đai theo các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào việc khai thác sử dụng đất hợp lý và hiệu quả.
Việc lấy ý kiến người dân, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy tính dân chủ, minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân, nâng cao tính khả thi trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3.1.4. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Việc giao đất ổn định lâu dài cho các đối tượng sử dụng đã góp phần ổn định và sử dụng đất có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ sử dụng đất yên tâm đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả hơn. Mặt khác việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất thời gian qua được thực hiện trên nền tảng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản trong tỉnh.
Trong kỳ 2011-2015 đã lập thủ tục thu hồi 935 ha đất của các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, cân đối đảm bảo quỹ đất cho các chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các cụm công nghiệp, các công trình trọng điểm, hệ thống chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Đã trao quyền cho người sử dụng đất thông qua việc giao đất, cho thuê đất hơn 1.000 ha giúp doanh nghiệp và các hộ dân an tâm đầu tư, làm tăng nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
3.1.5. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Công tác lập và quản lý hồ sơ địa chính trong thời gian qua cũng rất được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính được 72/150 xã; tranh thủ được vốn hỗ trợ từ Trung ương 60 tỷ đồng để đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính đồng bộ cho 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Công tác tổ chức để các hộ dân đăng ký lần đầu đến nay cơ bản hoàn thành và đạt tỷ lệ khoảng 98%, làm cơ sở cho công tác quản lý ngày càng chặt chẽ, ổn định tình hình sử dụng đất ở nông thôn.
Đến nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt gần 94%, tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thông qua việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, khai thông thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, làm chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh, ổn định đời sống nông thôn, khai thác, sử dụng đất hiệu quả.
3.1.6. Thống kê, kiểm kê đất đai
An Giang đã tiến hành công tác thống kê đất đai hàng năm và kiểm kê đất đai 05 năm theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2011, 2012 và 2013 ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT ngày 29/7/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 01/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1592/TCQLĐĐ- CKSQLSDĐ ngày 18/11/2014 của Tổng cục Quản lý đất đai về việc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014, toàn tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê đất đai năm 2014, thống kê năm 2015 và năm 2016 ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Nhìn chung, công tác thống kê, kiểm kê đất đai được tiến hành kịp thời, đầy đủ đúng quy định của pháp luật đất đai hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
3.1.7. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai
Thời gian qua, tỉnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện về kinh phí để xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai cho TP Châu Đốc; đồng thời đang tham gia dự án VLAP giai đoạn 2 (hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam) do Tổng cục Quản lý đất đai làm chủ đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu cho các huyện còn lại.
3.1.8. Quản lý tài chính về đất đai và giá đất
Bảng giá đất hàng năm của tỉnh đều được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và được ổn định qua từng năm nên môi trường đầu tư tương đối ổn định, không làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Riêng bảng giá đất áp dụng cho năm 2015 đã được xây dựng áp dụng cho cả giai đoạn 2015-2019, giúp tiết kiệm kinh phí, thời gian và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư.
3.1.9. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Trong giai đoạn 2011-2015, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung đẩy mạnh với mục tiêu quyết tâm lập lại trật tự, kỷ cương trong sử dụng đất nói riêng và trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nói chung. Từ năm 2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã tiến hành 18 cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, đất dự án chậm tiến độ, kiểm tra quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất công cộng, kênh mương; kiểm tra việc khai thác đất mặt,…
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế và các sai phạm giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai; đồng thời ngăn chặn kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm trong việc khai thác sử dụng đất; góp phần tăng cường kỷ cương và hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
3.1.10. Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai
An Giang là một trong các tỉnh có tình hình khiếu nại về đất đai khá phức tạp. Từ năm 2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 475 lượt công dân đến giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; tiếp nhận 889 đơn khiếu nại liên quan đến đất đai.
Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và sự quyết tâm của hệ thống chính trị, công tác giải quyết chanh chấp về đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng đất đai được kịp thời, cùng với đó là tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác cấp tỉnh và cấp huyện xuống tận địa phương để giải quyết các vụ việc. Việc giao cho một cơ quan làm đầu mối để giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai (cơ quan thanh tra) đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ tranh chấp và khiếu nại về đất đai.