Định hướng sử dụng đất

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 79 - 81)

I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

1.3. Định hướng sử dụng đất

1.3.1. Định hướng không gian sử dụng quỹ đất của tỉnh

* Tiểu vùng 1

Nằm phía Tây Nam của tỉnh, gồm thành phố Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Thoại Sơn. Trung tâm tiểu vùng là thành phố Long Xuyên. Đây là tiểu vùng trung tâm về hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học - công nghiệp - nông nghiệp của tỉnh, kết nối thuận tiện với các trục hành lang kinh tế quốc gia quan trọng (QL91, QL80, QLN2, Sông Hậu); là khu vực gắn kết An Giang với các trung tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Thủ đô PhnomPênh. Định hướng phát triển trong thời gian tới là phát triển công nghiệp tập trung (KCN Bình Hòa), phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác nuôi trồng thủy sản.

* Tiểu vùng 2

Nằm ở phía Đông Bắc và Đông Nam của tỉnh, gồm thị xã Tân Châu và các huyện Phú Tân, Chợ Mới, một phần huyện An Phú (ranh giới là bờ Đông sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là thị xã Tân Châu và huyện Chợ Mới. Tận dụng lợi thế của tiểu vùng là nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, có khu

du lịch Cù Lao Giêng, chùa Giồng Thành, thánh đường Mubarak,... phía Bắc của tiểu vùng giáp ranh biên giới Campuchia, có các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Định hướng phát triển trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp chuyên canh (trồng lúa, rau màu, cây lương thực, cây ăn trái), nuôi trồng thủy sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước, bảo tồn sinh học; phát triển kinh tế cửa khẩu qua cửa khẩu Vĩnh Xương.

* Tiểu vùng 3

Nằm ở phía Tây của tỉnh, gồm thành phố Châu Đốc và các huyện Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, một phần huyện An Phú (ranh giới là bờ Tây sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là thành phố Châu Đốc. Tiểu vùng này có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội như: toàn bộ ranh giới phía Bắc của tiểu vùng là biên giới với Campuchia, có 03 cửa khẩu là Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông; có điều kiện kết nối thuận tiện với các trục hành lang kinh tế quốc gia là tuyến N1, QL91, QL91C,… nằm trong vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam, có đô thị hạt nhân của vùng biên giới Tây Nam là thành phố Châu Đốc; có cảnh quan đẹp đa dạng do điều kiện địa hình phong phú, nhiều công trình tôn giáo có giá trị kiến trúc và giá trị văn hóa cao, có khả năng phát triển du lịch (núi Sam, núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên,…).

1.3.2. Định hướng sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì tốt nhất tài nguyên sinh thái, tài nguyên nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 có ít nhất 30%. Tăng giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong 01 năm có ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất từ 30% trở lên so với thời điểm 2012. Hình thành và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút, ươm tạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

1.3.3. Định hướng sử dụng đất cho phát triển du lịch, thương mại dịch vụ

Tập trung phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nền tảng đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch hấp dẫn của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ

môi trường, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự - an toàn xã hội. Hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghĩ dưỡng, khu thi đấu thể thao và vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm và khu ẩm thực tại các khu du lịch trọng điểm như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khu Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, khu du lịch Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư, khu di sản văn hóa Óc Eo, Búng Bình Thiên, Nhà mồ Ba Chúc,...

1.3.4. Định hướng sử dụng đất cho phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới

Xây dựng, phát triển nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, diện mạo đô thị văn minh hiện đại. Đến năm 2020 tổng số đô thị toàn tỉnh là 24 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V. Đến năm 2030 đô thị toàn tỉnh là 27 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 12 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Riêng thành phố Long Xuyên sẽ xây dựng và phát triển trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là địa phương dẫn đầu và là trung tâm của tỉnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Xây dựng nông thôn phát triển toàn diện. Đến năm 2020 có 50% số đường giao thông từ xã về đến ấp, đường liên ấp đạt chuẩn; diện tích sản xuất có hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh đạt tỷ lệ 50%; 100% số trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trung tâm văn hóa, khu thể thao và các ấp có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao. Đến năm 2020 tối thiểu 50% số xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới (68/136 xã, thị trấn).

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 79 - 81)