Khát quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 76 - 77)

I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

1.1. Khát quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội

Phát triển kinh tế An Giang trên nền tảng phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là hai mũi nhọn. Phát triển kinh tế theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh để tạo nền tảng phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.

Khai thác lợi thế các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội. Thực hiện nhanh việc tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, chuyển mạnh mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang chiều sâu; thực hiện tái cơ cấu trong đầu tư công theo hướng tập trung đầu tư những công trình mang tính đột phá, các công trình kết cấu hạ tầng không có khả năng kêu gọi đầu tư nhưng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của kinh tế - xã hội.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới.

Xây dựng An Giang đến năm 2020 có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức khá trong vùng; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mục tiêu đến năm 2030 đưa An Giang trở thành tỉnh có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, có nền nông nghiệp phát triển toàn diện, tuy tỷ trọng nông nghiệp ngày càng nhỏ nhưng trình độ phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là năng suất cây trồng, vật nuôi, năng suất lao động) ngày càng cao; điều kiện tích tụ ruộng đất thuận lợi, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại cũng như các hình thái tổ chức sản xuất tiên tiến sẽ giúp kinh tế nông nghiệp nông thôn An Giang phát triển mạnh hơn, hiện đại hơn, hình thành các vùng chuyên canh, các trang trại lớn, phát triển ổn định và hiệu quả, gắn liền sản xuất công nghiệp và dịch vụ (đặc biệt là với du lịch).

Đến năm 2025, An Giang có 75% số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới; toàn tỉnh hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trở thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế hiện đại và liên kết chặt chẽ với thành phố Cần Thơ, tỷ lệ dân số đô thị đạt khoảng 45%.

Giai đoạn 2025-2030, tỉnh An Giang phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn. Năm 2030 trở thành lãnh thổ đặc biệt có các đô thị trung tâm lớn là TP Long Xuyên, TP Châu Đốc kết nối với các đô thị khác trong tỉnh bằng hệ thống giao thông hiện đại, xen kẽ một không gian sinh thái xanh, sạch, đẹp với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, hòa nhập mức sống giữa thành thị và nông thôn.

Cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp phát triển hài hòa. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 85% GRDP của tỉnh. Cùng với TP Cần Thơ hình thành trung tâm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trung tâm du lịch, trung tâm giao thương và phân phối hàng hóa, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 50%, trong đó 30% lao động có trình độ cao.

Hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các vùng kinh tế trọng điểm ở vùng ĐBSCL. Phát triển đồng bộ, hài hoà giữa các ngành và lãnh thổ trên địa bàn tỉnh với hai lãnh thổ trọng điểm là TP Long Xuyên ở phía Nam và khu vực TP Châu Đốc ở phía Bắc làm hạt nhân phát triển, đồng thời kết nối thành hành lang phát triển trọng điểm của tỉnh. Từ đây tạo sự lan toả và thúc đẩy các địa bàn khác trong tỉnh phát triển theo hướng liên kết, hiện đại và bền vững.

Dự báo đến năm 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,5 đến 2,8 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,02 đến 1,1 triệu người người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40-42%.

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 76 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w