Quan điểm sử dụng đất

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 77 - 79)

I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

1.2. Quan điểm sử dụng đất

Khai thác, sử dụng đất phải đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thỏa mãn nhu cầu lợi ích của xã hội và người sử dụng đất trong mối quan hệ phát triển bền vững. Việc khai thác, sử dụng đất trong thời gian tới phải đảm bảo dựa trên các quan điểm sau:

Khai thác, sử dụng đất đảm bảo thực hiện chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và xa hơn. Bố trí sử dụng đất phải dựa trên 04 mục tiêu cơ bản: tăng trưởng và phát triển; hiệu quả an sinh - xã hội; môi trường, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh lương thực.

Khai thác, sử dụng tài nguyên đất một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích và có hiệu quả kinh tế trên cơ sở vận dụng tính ưu thế và đa dạng quỹ đất, vừa đảm bảo sản xuất bền vững, vừa duy trì và nâng cao độ phì của đất.

Sử dụng đất phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Đây là nội dung rất quan trọng và cần thiết trong quá trình sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt là cơ sở thực hiện kế hoạch hóa quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng quỹ đất, đồng bộ với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa cần thiết đã được khoanh định, bảo vệ sau khi cân đối hợp lý một phần đất lúa có tiềm năng thích nghi thấp đến trung bình theo đa dạng cơ cấu cây trồng vật nuôi hoặc đất lúa xen kẽ trong khu dân cư nông thôn để chuyển sang đất phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nội bộ đất nông nghiệp (đất chuyên màu, đất chuyên nuôi trồng thủy sản, đất cây ăn quả). Việc chuyển đất lúa sang sử dụng mục đích phi nông nghiệp chỉ được cho phép ở những công trình, dự án thật sự cần thiết theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không bố trí ở những khu vực có khả năng khai thác hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với những vùng sản xuất chuyên canh, cây đặc sản đặc trưng của tỉnh. Đồng thời bảo vệ, duy trì, khai thác đất nông nghiệp có tiềm năng thích nghi đa dạng cây trồng, vật nuôi.

Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phúc lợi xã hội, đặc biệt là bố trí quỹ đất để quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, chú trọng bố trí phát triển quỹ đất đáp ứng cho nhu cầu xã hội hoá ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh các mặt này của tỉnh trong tương lai.

Cân đối quỹ đất để đáp ứng nhu cầu xây dựng các đô thị, khu, cụm tuyến công nghiệp, khu dân cư và tái định cư, nhất là các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, các công trình dịch vụ thương mại, du lịch. Dành quỹ đất thích ứng để bố trí xây dựng khu xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại nhằm bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực, ngành, kể cả khu vực đô thị và nông thôn; bố trí quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa phù hợp với phong tục tập quán, tâm linh của người dân theo hướng bảo vệ môi trường và tiết kiệm đất.

Chú trọng khai thác phần không gian chiều cao bên trên và không gian ngầm dưới mặt đất để nâng cao hệ số sử dụng đất khi đầu tư xây dựng các công trình sản xuất, kinh doanh, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nhà ở, đường giao thông trong khu vực đô thị.

Tăng cường khai thác các vị trí thuận lợi, đắc địa của các thửa đất, khu đất (nhất là đất đai thuộc diện Nhà nước quản lý, sử dụng) trong công tác chỉnh trang đô thị, sắp xếp trụ sở, cơ quan hành chính sự nghiệp và các khu vực, vị trí có tiềm năng, giá trị lớn phát sinh do quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất mang lại nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tái đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư từ các nguồn lực khác bên ngoài.

Bảo vệ, tránh lấn chiếm và có chính sách khai thác có hiệu quả đất bãi bồi ven sông chưa sử dụng của tỉnh; ngăn chặn tình trạng đất đai ven sông bị sạt lở bằng biện pháp thích hợp, nhất là khu vực đô thị, dân cư nông thôn tập trung bằng biện pháp xây dựng công trình kiên cố. Đồng thời, trong đô thị cần duy trì, bảo vệ đất sông rạch chính, có ý nghĩa về cảnh quan, môi trường, tiêu thoát nước, gắn kết mục tiêu chống ngập nước, xử lý nước thải, xây dựng hồ điều hòa khu vực đô thị trong tương lai.

Nâng cao hiệu quả kinh tế đầu tư trên đất, nhất là đất phi nông nghiệp. Áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc sử dụng, cải thiện, bảo vệ và duy trì độ phì của đất. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo quỹ đất dự trữ, đất sạch để chủ động đáp ứng nhu cầu đất đai cho mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi để kêu gọi và thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) TỈNH AN GIANG (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w