6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.1. Nhóm các nhân tố khách quan
a. Môi trường pháp lý
Trong nền kinh tế, mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự chủ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng phải đảm bảo trong khuôn khổ của pháp luật trên cơ sở môi trường pháp lý bao gồm hệ thống văn bản, quy định pháp luật của Nhà nước. Nó tạo ra cơ sở pháp lý cho các hoạt động của các NHTM, bắt buộc các NHTM phải tuân thủ thực hiện, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của NHTM. Tuy nhiên, nếu những quy định của pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ, có nhiều kẽ hở thì sẽ rất khó khăn cho ngân hàng trong hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng.
b. Môi trường kinh tế - chính trị
Môi trường chính trị đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, đặc biệt đối với các hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tình hình chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói riêng. Nếu xảy ra các diễn biến gây bất ổn chính trị có thể dẫn đến những thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.
Thực trạng kinh tế của mỗi quốc gia được phản ảnh qua các chỉ tiêu như thu nhập quốc dân, tỷ lệ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp, … Sự ổn định hay bất ổn định, sự tăng trưởng nhanh hay chậm của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các NHTM, trong đó có hoạt động cho vay tiêu dùng. Đơn cử, do lạm phát tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chạy sang các ngân hàng khác, thì phải nâng lãi suất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn, rồi lại tiếp tục cạnh tranh đẩy lãi suất tín dụng, điều này đã làm xấu đi về môi trường đầu tư của ngân hàng. Đồng thời, nền kinh tế ổn định sẽ là điều kiện, môi trường thuận lợi để các
doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và thu được lợi nhuận cao, từ đó góp phần tạo nên sự thành công trong kinh doanh của ngân hàng. Trong trường hợp ngược lại, sự bất ổn làm ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng của người dân, do đó khả năng mở rộng cho vay tiêu dùng của NHTM gặp phải khó khăn, hiệu quả cho vay tiêu dùng giảm sút; đồng thời ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng, gây tổn thất cho ngân hàng.
c. Môi trường văn hóa - xã hội
Khi đề cập tới khía cạnh này, chúng ta cần xem xét các yếu tố như: Tập quán xã hội, thói quen tiêu dùng, trình độ dân trí, thị hiếu người dân, …Bên cạnh việc quyết định tới nhu cầu chi tiêu của các cá nhân, hộ gia đình, chúng còn ảnh hưởng tới cả thói quen tài trợ tiêu dùng của họ. Ở những nơi mà dân cư có thói quen chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm, muốn thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của mình một cách nhanh chóng thì họ thường có xu hướng vay tiêu dùng, thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển cho vay tiêu dùng. Ngược lại, ở những nơi mà người dân không có thói quen tiêu dùng quá mức những gì mà họ kiếm được tại thời điểm hiện tại thì xu hướng chung của họ sẽ là tiết kiệm chứ không phải đến ngân hàng để vay vốn chi tiêu. Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của NHTM sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tình hình an ninh, trật tự xã hội cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả cho vay tiêu dùng của NHTM. Với một xã hội có tình hình an ninh trật tự đảm bảo thì càng có nhiều nhu cầu trong việc tiêu dùng, do đó càng có nhiều cá nhân tìm đến ngân hàng để được tài trợ vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu mà khả năng thanh toán hiện tại chưa đáp ứng được.
d. Môi trường cạnh tranh
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực của sự phát triển và là cơ chế của quy luật cung - cầu. Đối với một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt như thị trường dịch vụ ngân hàng, vai trò của động lực cạnh tranh càng quan
trọng và bao hàm cả những đặc thù. Cạnh tranh là môi trường tạo động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng phát triển, tăng năng suất lao động, hiệu quả, là nhân tố quan trọng làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Kết quả cạnh tranh trong mọi hoạt động kinh doanh ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ góp phần xác định vị thế, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của các ngân hàng.