Tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển du lịch tại quận thanh khê, thành phố đà nẵng (Trang 31 - 36)

8. Kết cấu của luận văn:

1.2.2. Tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có thể được chia thành 2 loại là hạ tầng giao thông và hạ tầng trực tiếp phục vụ du lịch.

- Hạ tầng giao thông được huy động để tham gia vào việc khai thác các tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và thực hiện các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách trong các chuyến hành trình của họ, bao gồm các tố như hệ thống đường xá, phương tiện vận chuyển

- Hạ tầng trực tiếp phục vụ du lịch do các tổ chức, cá nhân tạo ra để khai thác các tiềm năng du lịch, tạo ra sản phẩm dịch vụ, như : hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở phục vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh thương mại, các công ty lữ hành, nguồn nhân lực….

a. Tăng cường hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở phục vụ ăn uống

* Tăng cường hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng

Các cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu về ở trọ của con người khi rời xa nơi cư trú thường xuyên của mình. Căn cứ và nhu cầu và khả năng thanh toán của con người nhiều loại hình cơ sở lưu trú xuất hiện như: khách sạn các hạng loại, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, khu du lịch, biệt thự, bungalows, bãi cắm trại..v.v. Tất cả các cơ sở có chung bản chất kinh doanh dịch vụ lưu trú (cho thuê buồng để ở trọ) được gọi ngành khách sạn, đối tượng cho thuê là những người cần nơi ở trọ trong đó chỉ một phần là khách du lịch. Ngành khách sạn

có tính độc lập tương đối với ngành du lịch, muốn phát triển du lịch thì cần phải có ngành khách sạn, nhưng ngược lại khi du lịch chưa phát triển, nhưng xã hội vẫn cần đến ngành khách sạn để phục vụ nhu cầu ở trọ của con người.

Sự hình thành và phát triển hệ thống khách sạn chủ yếu ở những nơi có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn hoặc ở gần các tài nguyên đó. Vì vậy, phát triển kinh doanh khách sạn có tác dụng khai thác mọi tiềm năng ở địa phương và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ngoài ra, với mục đích của con người khi đi du lịch nhằm phục hồi sức khoẻ sau một khoảng thời gian lao động căng thẳng. Có những người đi du lịch để chữa các bệnh của thời đại như: stress, mỡ trong máu, áp huyết, tiểu đường..v.v. Các cơ sở kinh doanh du lịch dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có tổ chức các dịch vụ nghỉ dưỡng và chữa bệnh như : Massge, Spa, chữa bệnh bằng nước khoáng, chữa bệnh bằng ngâm bùn, chữa bệnh bằng thuốc dân tộc, bằng chế độ ăn, uống..v.v. nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đây là một xu hướng kinh doanh có rất nhiều triển vọng trong tương lai.

Do đó, để phát triển hệ thống khách sạn, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng cần phát triển về số lượng và chất lượng mới đem lại lợi thế để phát triển du lịch. Về số lượng, cần có nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh lưu trú, kể cả đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khách sạn, với việc tăng số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát góp phần làm tăng số lượng phòng để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu lưu trú của du khách. Về chất lượng, tăng cường số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên, các khu resort, nâng tầm khách sạn 1 sao, khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu để phù hợp với nhiều thành phần khách du lịch, tạo sự thuận lợi, thoải mái khi đến nghỉ ngơi, lưu trú; đội ngũ nhân viên khách sạn như lễ tân, buồng phòng… cần phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo ngoại ngữ, cách ứng xử… tạo sự chuyên nghiệp trong quá trình phục vụ; cơ sở vật chất hiện đại, sạch sẽ…

* Tăng cường cơ sở phục vụ ăn uống

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất của con người để tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế, với đời sống nhân dân tăng lên, nhu cầu về các dịch vụ phục vụ ăn, uống tăng nhanh nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phát triển mạnh mẽ và đa dạng (nhà hàng, quán ăn nhanh, bar..v.v) và trở thành một ngành kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao trong nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Ăn uống không chỉ thoả mãn nhu cầu sinh lý của con người tồn tại, mà còn thể hiện nền văn hoá mỗi dân tộc, nên được gọi là “văn hoá ẩm thực”. Một trong những nhu cầu quan trọng của khách du lịch là tìm hiểu và thưởng thức các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc, nền văn hoá dân tộc thông qua các món ăn dân tộc.

Do đó, mỗi địa phương với những đặc trưng về văn hóa ẩm thực khác nhau sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đặc trưng và không dễ bị bắt chước. Tuy nhiên, việc phát huy và duy trì các cơ sở nhà hàng, quán ăn vừa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo các món ăn đa dạng, phong phú là rất khó khăn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các nhà quản lý, điều hành nhà hàng, quán ăn đó.

b. Tăng cường các cơ sở kinh doanh thương mại

Ngoài nhu cầu lưu trú, ăn uống, giải trí, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hoá thiết yếu hàng ngày và hàng lưu niệm trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của khách du lịch. Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh thương mại (như siêu thị, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ kể cả bán thuốc đông y..v.v) đã trở thành những điểm tham quan du lịch đồng thời đáp ứng nhu cầu về mua sắm của khách du lịch.

Kinh doanh thương mại không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hoá cho khách du lịch có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển nền kinh tế nói chung và

phát triển ngành du lịch nói riêng, thực hiện chiến lược xuất khẩu tại chỗ hàng hoá thu ngoại tệ với hiệu quả cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển, đặc biệt là khôi phục được các ngành, nghề truyền thống.

c. Mở rộng hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Nhất là quan tâm quy hoạch, xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông gần các khu du lịch góp phần tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của du khách từ trung tâm đến các địa điểm đó.

Hơn nữa, nói đến du lịch là sự di chuyển của con người ra khỏi nơi cư trú và làm việc thường xuyên. Vì vậy du lịch gắn liền với sự di chuyển và vận chuyển khách du lịch. Vận chuyển du lịch giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch, hệ thống giao thông vận tải càng phát triển, chất lượng các phương tiện vận tải càng tốt, thì ngành du lịch càng phát triển. Các nhà kinh tế du lịch đã khẳng định, để phát triển du lịch tại một khu du lịch, một địa phương, một đất nước thì nơi đó phải có ít nhất ba trong năm loại phương tiện vận chuyển khách du lịch tới, đó là: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường sông.

Tổ chức vận chuyển khách du lịch theo các hình thức:

– Do các doanh nghiệp vận tải vận chuyển khách du lịch, nghĩa là ngành du lịch ký các hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải để vận chuyển khách du lịch. Đây là hình thức vận chuyển du lịch chủ yếu và có hiệu quả.

– Do các doanh nghiệp du lịch có phương tiện vận chuyển riêng để chuyên chở khách du lịch, áp dụng chủ yếu phương tiện vận chuyển đường ngắn, đi tham quan các điểm du lịch ở địa phương, đưa đón khách. Phương tiện vận tải được sử dụng chủ yếu là xe ôtô, xe thô sơ, đường dây cáp treo.

giao thông, phương tiện vận chuyển cho phù hợp. Phương tiện vận chuyển hành khách đa phần vẫn là các loại xe ô tô, tàu hỏa đáp ứng nhu cầu giao thông đường bộ. Việc kêu gọi được các nhà doanh nghiệp vận tải đầu tư sửa chữa, thay thế các loại xe ô tô lưu thông để đảm bảo an toàn cho du khách, tạo sự tin tưởng, hài lòng của họ đối với các loại phương tiện vận chuyển cũng là thành công lớn trong chính sách phát triển du lịch. Với những khu vực du lịch nằm trển các đảo hay gần hệ thống sông ngòi, biển cần phát triển hệ thống giao thông đường thủy như xây dựng cảng biển, các cây cầu hay tập trung đầu tư các tàu thuyền, ca nô đảm bảo chất lượng, an toàn khi lưu thông để đưa đón khách đi tham quan, nghỉ mát. Hệ thống giao thông đường hàng không cần đặc biệt chú trọng, đây là hệ thống giao thông quan trọng góp phần đưa khách du lịch quốc tế đến gần hơn với sản phẩm du lịch. Do đó cần xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông này.

d. Tăng cường các công ty lữ hành

Lữ hành (Travel agency) được dịch từ tiếng Anh, nhưng bản chất của nó chính là hoạt động của đại lý du lịch gồm:

– Các hoạt động liên quan đến việc nhận dịch vụ vận chuyển khách với tư cách làm đại lý cho các cơ sở vận chuyển, dịch vụ đăng ký chỗ ở, ăn trong khách sạn với tư cách làm đại lý cho các cơ sở ngành khách sạn, làm dịch vụ thu xếp các yêu cầu của khách (lữ khách).

– Dịch vụ tổ chức các chương trình du lịch trên cơ sở tổng hợp các dịch vụ đại lý nói trên và trên cơ sở yêu cầu của khách du lịch. Các chương trình du lịch có thể với giá trọn gói và giá của từng dịch vụ. Dịch vụ bán buôn, bán lẻ chương trình du lịch. Dịch vụ đưa, đón khách, dịch vụ hướng dẫn du lịch.

– Thực hiện các dịch vụ khác liên quan đến việc đi lại của khách như: thủ tục về hộ chiếu, thị thực xuất nhập cảnh, mua vé vận chuyển, mua bảo hiểm, đăng ký chỗ ở khách sạn, ăn ở nhà hàng,…v.v.

Về bản chất kinh tế các đại lý du lịch sẽ được hưởng hỏa hồng từ các cơ sở mà họ làm đại lý và được hưởng công dịch vụ từ việc phục vụ khách .

Do đó, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành góp phần đưa sản phẩm du lịch đến với du khách nhanh và trực tiếp nhất thông qua các loại hình quảng cáo trên ti vi, website, tư vấn trực tiếp hay các chương trình du lịch…

Phát triển du lịch thông qua các công ty lữ hành là phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động lữ hành cần phải liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, không chỉ gia tăng các đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa mà còn phát triển các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, góp phần đưa sản phẩm du lịch ra nước ngoài. Về chất lượng, các đơn vị phải tổ chức được nhiều chương trình tham quan trong và ngoài nước hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đối với du khách về chất lượng các chương trình tham quan và chất lượng phục vụ của đội ngũ hướng dẫn viên, lái xe du lịch; tăng khả năng tổ chức các tour du lịch quốc tế, đưa khách du lịch nước ngoài vào nước và đưa khách trong nước ra nước ngoài, đưa khả năng khai thác nguồn khách du lịch quốc tế trực tiếp tăng.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển du lịch tại quận thanh khê, thành phố đà nẵng (Trang 31 - 36)