Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển du lịch tại quận thanh khê, thành phố đà nẵng (Trang 78 - 81)

8. Kết cấu của luận văn:

3.2.2.Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

a. Giải pháp phát triển hệ thống khách sạn, cơ sở phục vụ ăn uống

Như đã phân tích ở chương 2, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở phục vụ ăn uống tại quận Thanh Khê còn thiếu và yếu, chưa có các khu resort, khu nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế để thu hút loại khách du lịch cao cấp hơn.

Đầu tư xây dựng mới để mở rộng số phòng khách sạn theo dự báo đã điều chỉnh, nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng hiện có để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Yêu cầu của hệ thống cơ sở vật chất của mỗi loại hình khách sạn, nơi lưu trú của du khách phải đảm bảo tiện nghi, hiện đại, đảm bảo mỹ thuật, vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn… tất cả điều đó phải phù hợp với từng đối tượng du khách, và mức chi tiêu cho hoạt động du lịch.

Yếu tố hiện đại của hệ thống cơ sở vật chất tại các khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải có sự kêt hợp hài hòa với nét truyền thống của địa phương để tạo không khí gần gũi, hài hòa với thiên nhiên như truyền thống nghề biển với những dấu ấn, màu sắc biển cả, làng chài kết hợp với yếu tố hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% trong tổng số phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng.

Lãnh đạo quận Thanh Khê cần có nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vốn để xây dựng các khu resort, các khu nghỉ dưỡng trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành như thuế đất, thuế GTGT, giảm quy trình về giấy tờ, thủ tục... Hơn nữa, quận cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho các cơ sở lưu trú nhằm nâng tầm khách sạn, từ 1 - 2 sao lên 3 – 4 sao trong tổng thể quy hoạch không gian đô thị của thành phố để phục vụ tốt hơn cho mọi hình thức khách du lịch, cơ sở phục vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ sở ăn uống, nhà hàng tại quận Thanh Khê đa số chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chủ yếu là các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ, tự phát, yêu cầu vệ sinh thực phẩm chưa cao. Vì vậy, quận cần quan tâm, hỗ trợ các cơ sở này về vốn và đất đai để tăng cường mở rộng quy mô. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở phục vụ ăn uống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân và du khách khi nghỉ ngơi, ăn uống tại đây.

b. Giải pháp mở rộng hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển

Mở rộng, nâng cấp, xây dựng các tuyến đường tại các địa điểm du lịch và nội thị để thuận lợi cho du khách khi đi du lịch.

Xây dựng kế hoạch định kỳ hàng năm về vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa các tuyến phố chuyên doanh, kêu gọi xã hội hóa… nhằm đảm bảo phát triển hệ thống tuyến phố chuyên doanh theo hướng văn minh, hiện đại.

Đầu tư đa dạng các loại hình giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách ngày càng tăng.

Ưu tiên về vốn vay và có chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư xây dựng bến tàu, cảng biển, hình thành đội tàu du lịch có chất lượng cao kết hợp với đầu tư các điểm dừng chân phục vụ khách trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành. Xây dựng những quán ăn, nhà hàng bán các món ăn đặc sản như gỏi cá Thanh Khê, các loại hải sản…; các cửa hàng bán đồ lưu niệm mang đặc trưng của vùng đất Thanh Khê. Để thực hiện được giải pháp này, cần có sự hỗ trợ lớn từ phía thành phố cũng như chính quyền địa phương và cả những người dân địa phương.

Tiếp tục phát triển các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn quận là tuyến phố Lê Duẩn, Hàm Nghi và Nguyễn Tất Thành. Tập trung hoàn thiện và đưa vào khai thác 2 tuyến phố còn lại là đường Nguyễn Đình Tựu và Nguyễn Tri Phương.

c. Giải pháp tăng cường các công ty lữ hành và chiến lược quảng bá – xúc tiến

Tác dụng quan trọng của quảng bá đem lại cho ngành du lịch luôn được thừa nhận. Một sản phẩm du lịch dù có sức hấp dẫn nhưng không có tuyên truyền, quảng cáo thì cũng sẽ chỉ là địa điểm để người dân địa phương lui tới, tham quan. Do đó, cần thường xuyên quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Khê thông qua các ấn phẩm như: sách giới thiệu và hướng dẫn du lịch, tập gấp, brochure, bản đồ du lịch, đĩa phim tại các quầy thông tin du lịch ở nhà ga, sân bay, bến tàu, bến xe và đăng tải trên các máy tra cứu thông tin, trên các website, cổng thông tin du lịch và các kênh truyền hình… ở trong nước và nước ngoài.

Ngoài nước: Xây dựng được kênh thông tin trao đổi, cập nhật thường xuyên giữa các công ty lữ hành.. với Văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam ở những nước là đầu mối giao lưu quốc tế và thị trường trọng điểm, như Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Thái Lan.

Trong nước:

- Có chiến lược và kế hoạch cụ thể cho từng năm về tổ chức các sự kiện, lễ hội đa dạng và phong phú để thu hút khách du lịch. Theo đó, mỗi năm phải xây dựng được sự kiện nổi bật nhất để làm “ điểm nhấn” thu hút khách du lịch. Việc tổ chức các sự kiện, lễ hội của các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chương trình, không để trùng lặp về sản phẩm, thời gian.. tránh lãng phí về nguồn lực.

- Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối ngoại để xúc tiến quảng bá du lịch có hiệu quả.

Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đầu tư kinh doanh tại quận, nhất là các đơn vị lữ hành quốc tế để đưa khách du lịch nước ngoài đến với các địa điểm du lịch tại địa phương. Có nhiều chính sách ưu đãi cho các công ty này để tiếp tục hoạt động và phát triển trong tương lai.

Tạo chuỗi liên kết giữa các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng... dưới sự tham gia hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để tạo nên sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý nhằm thu hút khách. Tổ chức chương trình kích cầu du lịch thường niên bằng những gói kích cầu giảm giá hấp dẫn vào mùa thấp điểm và khai thác nhiều hơn nữa các điểm vui chơi, tham quan, giải trí nhằm giữ chân du khách lưu trú nhiều ngày tại các điểm du lịch.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển du lịch tại quận thanh khê, thành phố đà nẵng (Trang 78 - 81)