Luật Đất đai năm 2003.
Việc mở rộng đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là rất cần thiết; Nhà nước đã thực hiện việc công bằng xã hội, công bằng pháp luật về quyền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất là cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thể hiện công bằng, bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với các chủ thể sử dụng đất trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành còn quy định người bị thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất khi bị thu hồi. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì tài sản đó phải là tài sản hợp pháp của người bị thu hồi đất. Quy định này nhằm bảo hộ một trong những quyền năng cơ bản của người sử dụng đất được ghi nhận trong Luật Đất đai năm 2013, đó là: Người sử dụng đất được quyền hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất (Điều 166) [28]
1.3.2. Phạm vi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hồi đất
Khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thì người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm:
Thứ nhất, bồi thường hoặc hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích đất mà Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, Nhà nước tiến hành thu hồi diện tích đất thực tế là bao nhiêu thì sẽ bồi thường toàn bộ số diện tích đất đó. Tùy từng trường hợp cụ thể mà việc bồi thường có thể bằng tiền, nhà ở hoặc bằng đất;
Thứ hai, không chỉ bồi thường về đất mà Nhà nước còn bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản hiện có gắn liền với đất và các chi phí đầu tư vào đất bị Nhà nước thu hồi;
Thứ ba, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và hỗ trợ khác cho người bị thu hồi đất. Đây là sự hỗ trợ trong thời gian đầu dành cho người có đất ở bị thu hồi, thay đổi điều kiện và hỗ trợ đào tạo cho người lao động nông nghiệp chuyển sang nghề khác tạo cho người dân có cuộc sống ổn định;
Thứ tư, hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống tại khu tái định cư;
Ngoài ra pháp luật còn quy định người sử dụng đất khi bị Nhà nước thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở thì sẽ được bố trí TĐC bằng việc bồi thường bằng nhà ở, giao đất ở mới hoặc bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở mới.
Như vậy, phạm vi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
- Bồi thường về đất thực tế thu hồi;
- Bồi thường về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi; - Hỗ trợ người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở;
- Hỗ trợ người bị thu hồi đất sản xuất đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; - Hỗ trợ người bị thu hồi đất gặp khó khăn về cuộc sống do việc thu hồi đất gây ra;
- Hỗ trợ TĐC cho người có đất bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở.
1.3.3. Cách thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Hiện nay pháp luật đất đai có hai hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà người bị thu hồi đất được hưởng đó là bồi thường bằng đất hoặc bồi thường, hỗ trợ bằng tiền, bằng nhà ở.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bị thu hồi đất có thể được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng (Khoản 1 Điều 81, Luật Đất đai năm 2013); đất hoặc nhà ở (Điểm a, Khoản 1, Điều 79, Luật Đất đai năm 2013); bồi thường bằng tiền (Khoản 1 Điều 80, Luật Đất đai 2013). [28]
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 83, Luật Đất đai năm 2013 thì “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi
thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ” [28].