Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước trao quyền SDĐ cho người sử dụng thông qua hình thức khác nhau, bao gồm: giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDĐ đối với người đang SDĐ ổn định. Theo đó, nếu người sử dụng đất đáp ứng đầy đủ và phù hợp với các quy định của pháp luật thì sẽ được Nhà nước xác lập quyền SDĐ hợp pháp thông qua hình thức pháp lý là cấp GCNQSDĐ cho họ. Có thể nói, giấy CNQSDĐ là giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất của người SDĐ, khi đó, quyền lợi của họ đối với đất đai rõ ràng và minh bạch nhất.
Tuy nhiên, hiện nay một trong những khó khăn khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là chưa thể xác định được “tính pháp lý” liên quan đến GCNQSDĐ. Có rất nhiều trường hợp người SDĐ chưa có GCNQSDĐ nhưng có các căn cứ yêu cầu được nhận bồi thường, hỗ trợ. Việc các cơ quan có thẩm quyền xác định các căn cứ này tốn rất nhiều thời gian và gây nhiều tranh cãi. Hiện nay pháp luật đất đai cũng đã có những quy định nhằm xác định các trường hợp có thể đáp ứng đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ nhưng trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra vẫn rất khó áp dụng để giải quyết. Chính vì vậy, cần chú ý đẩy nhanh tiến độ, lập hồ sơ, đánh số, cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ quỹ đất hiện có của nước ta, nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cũng như minh bạch quyền lợi kinh tế của người đang SDĐ và dễ dàng hơn trong việc xác định hậu quả nếu có các tranh chấp, khiếu kiện xảy ra.
Đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, việc người SDĐ được cấp GCNQSDĐ thì việc tính toán bồi thường về đất cho họ khi Nhà nước thu hồi đất sẽ thuận lợi hơn. Trên thực tế, việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định các trường hợp “đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản găn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp” (Điều 75, Luật Đất đai năm 2013) [28]. Khi xác định tính pháp lý đối với các trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền tốn rất nhiều thời gian và phải sử dụng các hình thức khác nhau để có cơ sở pháp lý đầy đủ làm căn cứ cho việc bồi thường, hỗ trợ. Thông thường việc xác nhận này sẽ phải bắt đầu từ nguồn gốc, thời gian, mục đích SDĐ của người SDĐ…Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi UBND cấp xã tiến hành xác nhận các điều kiện liên quan đến mảnh đất để làm căn cứ pháp lý cho việc tiến hành bồi thường, hỗ trợ đã gặp rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan khác nhau dẫn đến việc xác định kéo dài hoặc khó có thể chính xác. Đặc biệt đối với những mảnh đất đã sử dụng lâu năm, việc tìm lại hồ sơ, tài liệu lưu giữ của cấp xã là việc không hề dễ dàng, chưa kể đến việc bị thất lạc, mất mát do các trường hợp bất khả kháng như: ảnh hưởng của thiên tai (mưa, lũ lụt…), ảnh hưởng từ yếu tố ngoại cảnh (cháy, mối, mọt, mất trong quá trình vận chuyển); việc thay đổi qua nhiều đời cán bộ quản lý; trình độ thiếu hiểu biết, năng lực cán bộ; sự phức tạp trong việc sử dụng đất, mục đích sử dụng đất làm thay đổi, thay đổi chủ sử dụng…Những yếu tố này không chỉ làm ảnh hưởng đến thời gian lập phương án, kế hoạch bồi thường mà trong quá trình thực hiện còn gây ra những hiểu lầm, mâu thuẫn, dẫn đến khiếu nại, thắc mắc của các hộ dân bị thu hồi đất.
Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước trong công tác quản lý đất đai nói chung; đồng thời đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, việc người sử dụng đất có GCNQSDĐ sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất giúp những người bị thu hồi đất được hưởng các quyền lợi về đất được đầy đủ và công bằng
nhất, tránh những hiểu lầm, khiếu kiện không đáng có, ảnh hưởng đến thời gian và phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.