hoạch sử dụng đất
Để quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả cao, một trong những công cụ quan trọng và không thể thiếu đó là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay, chủ yếu xuất phát từ như cầu sử dụng đất trước mắt của các cấp, các ngành, vì vậy khó tránh khỏi hiện tượng lợi ích cục bộ của địa phương, của ngành trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời làm cho chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tính bền vững, chưa dự báo sát với tình hình thực tế nên bị động khi triển khai quy hoạch vào cuộc sống. Việc quản lý quy hoạch sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, xét duyệt trên thực tế là chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhiều trường hợp các dự án được giao và cho thuê không nằm trong quy hoạch đã được xét duyệt hoặc các dự án sau khi được giao, cho thuê đất lại không thực hiện, thực hiện không đúng tiến độ. Để công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được hiệu quả và mang tính sát thực cao, cần quan tâm một số điểm sau:
Thứ nhất, xác định mục đích quy hoạch sử dụng đất để phục vụ cho dự án liên quan, xác định được mối quan hệ giữa quy hoạch SDĐ với quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch xây dựng đô thị, các công trình phục vụ công cộng (trường, trạm…) hoặc các dự án liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ quan Nhà nước. Hạn chế quy hoạch cục bộ hoặc vì lợi ích từng địa phương, làm cho việc lập quy hoạch được thống nhất, tránh chồng chéo, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quy hoạch, kế hoạch SDĐ.
Thứ hai, việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ cần có tầm nhìn dài hạn, chắc chắn về nhu cầu SDĐ; đồng thời cần có tầm nhìn bao quát, liên hệ với các địa phương xung quanh, với vùng miền trên cả nước. Có như vậy quy hoạch được
đưa vào thực thi mới có tính sát thực, đảm bảo bền vững và thực hiện có hiệu quả trong thời gian lâu dài hơn.
Thứ ba, quy hoạch, kế hoạch SDĐ của các cấp chính quyền sau khi được lập cần được công bố công khai để mọi người dân được biết, đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch. Công tác này có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như: họp bàn với nhân dân, trình bày quy hoạch, kế hoạch SDĐ để người dân nắm bắt được tình hình; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông hoặc niêm yết công khai và tiến hành cắm mốc giới theo quy hoạch. Thực tế cho thấy, việc người dân không được biết đến các quy hoạch SDĐ cho đến khi kế hoạch này được đưa vào thực hiện trên thực tế là rất nhiều. Chính vì vậy, tình trạng người dân vì không được phổ biến các quy hoạch, kế hoạch này đã dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng trong các phương án SDĐ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Thứ tư, cần tiến hành thường xuyên và nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ của các địa phương, nhất là cấp cơ sở, hạn chế tối đa tình trạng tư lợi cá nhân để đất đai được sử dụng có hiệu quả; đồng thời còn nhằm thống nhất về quy hoạch giữa cấp trên và cấp dưới, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch SDĐ.