thực hiện các văn bản pháp luật dành cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật thuế nhằm cải tiến toàn diện hệ thống thuế theo hướng đơn giản và điều chỉnh mức thuế phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế theo hướng quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế, đối tượng nộp thuế và
các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình thu nộp thuế.
Bên cạnh đó, do đặc điểm vốn ít, trình độ nguồn nhân lực thấp nên ngoài các chính sách ưu đãi chung như những doanh nghiệp lớn, để khuyến khích hỗ trợ phát triển loại hình DNN&V này, rất cần có những văn bản hướng dẫn thực hiện đơn giản, dễ hiểu đồng thời có thể cho phép kéo dài thời gian nộp thuế so với các DN lớn.
- Tạo điều kiện cho các DNN&V trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp cận chính sách đất đai, mặt bằng sản xuất. Thực tế cho thấy, trong quá trình các DNN&V triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do quỹ đất không nhiều. Đó là chưa kể đến thực trạng chính quyền một số địa phương có tâm lý “sính ngoại” trong việc phê duyệt địa điểm giữa DNN&V trong nước với DN nước ngoài. Đây chính là mối bận tâm lo lắng của DNN&V hoạt động trên địa bàn. Vì vậy, chính sách đất đai của tỉnh Lào Cai cần dựa trên cơ sở khuyến khích sản xuất phát triển, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao quyền sử dụng đất. Để tạo điều kiện cho DNN&V trong việc tiếp cận đất đai và có thể sử dụng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp, cầm cố vay vốn từ các tổ chức tín dụng, Nhà nước và các chính quyền tỉnh phải có chính sách rất cụ thể như:
+ Hoàn thiện pháp lý và nâng cao nâng lực quản lý của hệ thống cơ quan đăng ký đất đai, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khuyến khích đăng ký giao dịch về đất. Lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng và công khai các quy hoạch này làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, đấu thầu quyền sử dụng đất.
+ Xây dựng các khu, cụm công nghiệp, thương mại có hạ tầng tốt nhất, đồng thời điều chỉnh các hình thức cho thuê đất. Hỗ trợ các DNN&V có cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm di dời ra khỏi đô thị, khu dân cư thông qua việc cho phép chuyển quyền sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở và đất thương mại nhằm mục đích bán và trang trải chi phí di chuyển.
+ Thống kê và thu hồi đất đang hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp thuê và có những quy định về bồi hoàn và trả lại quyền sử dụng để quá trình chuyển giao đất công khai thuận lợi hơn. Ví dụ như các DNN&V mua lại quyền sử dụng thỏa thuận thanh toán nếu không sẽ chuyển sang
đấu thầu nhằm chống đầu cơ, mua bán chuyển nhượng dự án trái phép.
+Tạo điều kiện thuận lợi cho DNN&V trong nước tiếp cận các mặt bằng kinh doanh thông qua nhiều hình thức như thuê, mượn, trả tiền thuê... Ngoài ra, còn đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình cấp giấy phép hoạt động, có các chính sách ưu đãi về thuế và xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh lành mạnh...
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp cận các nguồn vốn, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng có giá trị tăng cao. Hầu hết các DNN&V đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để khởi sự doanh nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh. Do đó tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu áp dụng những chính sách và giải pháp tạo điều kiện để các DNN&V có thể vay vốn dễ hàng hơn.
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp đã được nhà nước xây dựng và ban hành một số quy định về tổ chức và hoạt động của nó. Tuy nhiên, triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng còn ở mức độ khá hạn chế. Nhiều DNN&V nói rằng họ không biết gì về bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp. Để thủ tục vay vốn dễ dàng hơn, tỉnh Lào Cai cần có các biện pháp cụ thể như sau:
+ Đổi mới cơ chế chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường, nâng cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Cải tiến thủ tục cho vay đối với các DNN&V theo hướng đơn giản, rõ ràng hơn, tiếp tục cải tiến quy trình cho vay nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay.
+ Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức đảm bảo tín dụng để thích ứng với đặc điểm của các DNN&V. Mở rộng diện cho vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay và cho vay không đảm bảo sang khu vực kinh tế tư nhân. Đơn giản hóa thủ tục thế chấp tài sản, giảm thời gian định giá tài sản.
+ Ban hành các văn bản luật hoặc dưới luật quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên tham gia: phương pháp xử lý khi có xung đột pháp luật giữa quy tắc quốc tế và luật pháp quốc gia trong thanh toán quốc tế.
+ Hoàn thiện khung pháp cho hoạt động của thị trường cho thuê tài chính theo hướng: mở rộng đối tượng tham gia hoạt động cho thuê tài chính, tài sản cho thuê, đa dạng hóa các pháp thức cho thuê, đối tượng bảo hiểm tài sản dùng để cho thuê tài chính...
+ Hoàn thiện chính sách đối với các Quỹ bảo lãnh tín dụng theo hướng: không quy định mức vốn điều lệ chung cho mọi quỹ bảo lãnh, nên chia ra nhiều mức khác nhau theo từng khu vực, cụ thể hóa quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức góp vốn thành lập qua các điều kiện được bảo lãnh và mức vốn được bảo lãnh, chế độ giám sát thanh tra hoạt động của Quỹ...
- Các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Kinh tế suy thoái khiến nhiều DNN&V của cả nước nói chung và Lào Cai nói riêng hoạt động cầm chừng, thậm chí không ít đơn vị dừng hoạt động. Để hỗ trợ cho DNN&V, các cấp chính quyền tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tháo gỡ khó khăn để DNN&V đóng góp tốt hơn cho sự phát triển KTXH.
Một là, chú trọng phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh. Nhiều DNN&V được hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Một số DNN&V đã tham gia vào chuỗi các DNN&V sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản. Sở Công thương Lào Cai đã tham mưu UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo với đại diện các DNN&V, đề xuất UBND tỉnh Lào Cai ban hành nhiều chính sách tạo môi trường thuận lợi giúp DNN&V thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu trên thị trường trong nước và khu vực.
Hai là, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao và ổn định trên cơ sở chuyển dịch
cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn, Lào Cai mở rộng giao lưu thương mại, đầu tư - văn hóa - khoa học - công nghệ... với các tỉnh trong khu vực. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Ba là, xây dựng và phát triển vườn ươm doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập ở Lào Cai. Việc phát triển vườn ươm doanh nghiệp không chỉ là sự hỗ trợ phát triển trước mắt mà còn là một giải pháp lâu dài nhằm thúc đẩy và mở rộng khu DNN&V. Các DNN&V sau khi được hỗ trợ, được “ươm tạo” sẽ tham gia vào hệ thống kinh doanh thực sự. Không gian và dịch vụ sẽ được tiếp tục sử dụng cho các DNN&V mới khác. Như vậy, giống như một “vườn ươm” cây trồng, các thế hệ doanh nghiệp sẽ lần lượt được hình thành và được hỗ trợ phát triển tốt hơn. Vườn ươm sẽ hỗ trợ DNN&V được phát triển trong một điều kiện an toàn hơn, tức là giảm thiểu rủi ro trong quá trình khởi sự kinh doanh, giảm bớt tỷ lệ thất bại và phá sản của DNN&V điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt các chi phí, tổn thất của xã hội.
Bốn là, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, dự báo và phổ biến kịp thời, công khai các thông tin kinh tế đến các DNN&V và hiệp hội DNN&V làm cơ sở để DNN&V có thể nâng cao chất lượng xây dựng và điều hành chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình. DNN&V cần chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược và kế hoạch kinh doanh, đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho chính mình như rà soát lại và điều chỉnh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy tối đa công suất, tiết kiệm chi phí, đổi mới thiết bị, tăng năng suất, áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, đa dạng thị trường xuất khẩu, sử dụng các công cụ chống rủi ro, thương lượng với đối tác để điều chính tăng giá bán đối với các hợp đồng đã và hợp đồng mới, tìm nguồn cung cấp mới, nguyên liệu thay thế rẻ hơn, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng…