nước cấp huyện
1.2.4.1. Các nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến quản lý chi ngân
sách nhà nước
Nhóm nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến quản lý chi ngân sách nhà nước bao gồm: năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước cũng như quy trình nghiệp vụ, công nghệ quản lý chi ngân sách nhà nước.
Một là: Năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước
Năng lực quản lý của người lãnh đạo bộ máy chi ngân sách nhà nước, bao gồm các nội dung sau: năng lực đề ra chiến lược trong hoạt động ngân sách; đưa ra được các kế hoạch triển khai các công việc hợp lý, rõ ràng; tạo nên một cơ cấu tổ chức hợp lý, có hiệu quả, có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhân viên, cũng như giữa các khâu, các bộ phận của bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước ở địa phương.
Năng lực quản lý của người lãnh đạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác quản lý ngân sách nhà nước nói chung và quản lý chi NSNN ở từng địa phương nói riêng. Nếu năng lực của người lãnh đạo yếu, bộ máy tổ chức không hợp lý, các chiến lược không phù hợp với thực tế thì việc quản lý chi ngân sách nhà nước sẽ không hiệu quả, dễ gây tình trạng chi vượt quá thu, chi đầu tư giàn trải, phân bổ chi không hợp lý; có thể dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách, không thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo các vấn đề xã hội…
Ngoài ra, đối với người lãnh đạo cũng cần tránh bệnh chạy theo thành tích, bệnh cục bộ địa phương, bệnh quan liêu mệnh lệnh, coi thường pháp luật, xem trình tự thủ tục là thứ gò bó quyền lực của mình. Đây cũng có thể được coi là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả, thậm chí còn gây những hậu quả như thất thoát, lãng phí, tham nhũng… trong công tác quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.
Năng lực chuyên môn của các bộ phận quản lý chi ngân sách nhà nước ở địa phương lại là yếu tố quyết định hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Nếu cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn cao sẽ giảm thiểu được sai lệch trong cung cấp thông tin của đối tượng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kiểm soát được toàn bộ nội dung chi, nguyên tắc chi và tuân thủ theo các quy định về quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo theo dự toán đã đề ra.
Bên cạnh năng lực chuyên môn thì đối với cán bộ công chức cũng cần phải tránh bệnh xu nịnh, chiều ý cấp trên, là thói quen xin cho, hạch sách, thiếu ý thức chịu trách nhiệm cá nhân. Thậm chí là sa sút về phẩm chất đạo đức như đòi hối lộ, đưa đút lót, thông đồng, móc ngoặc, gian lận… đây là những nhân tố ảnh hưởng không tốt tới quá trình quản lý chi ngân sách nhà nước gây giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước nghiêm trọng.
Hai là: Tổ chức bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước
Tổ chức bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện và việc vận dụng quy trình nghiệp vụ quản lý vào thực tiễn địa phương: hoạt động quản lý chi ngân sách Nhà nước được triển khai có thuận lợi và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tổ chức bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước và quy trình nghiệp vụ, trong đó đặc biệt là quy trình nghiệp vụ quản lý. Tổ chức bộ máy và quy trình quản lý, quyền hạn trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận, mối quan hệ của từng bộ phận trong quá trình thực hiện từ lập, chấp hành, quyết toán và kiểm toán chi ngân sách nhà nước ở địa bàn huyện có tác động rất lớn đến quản lý chi ngân sách nhà nước. Tổ chức bộ máy quản lý phù hợp sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tình trạng sai phạm trong quản lý. Quy trình quản lý được bố trí càng khoa học, rõ ràng thì càng góp phần quan trọng làm nâng cao chất lượng của thông tin tới cấp ra quyết định quản lý chi ngân sách nhà nước, giảm các yếu tố sai lệch thông tin. Từ đó nâng cao được hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn địa phương.
Ba là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn địa phương
Việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong cuộc sống ngày nay đã và đang thực sự chứng tỏ vai trò không thể thiếu được của nó. Thực tế đã chứng minh với việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong công tác quản lý ngân
sách nhà nước nói chung và quản lý chi ngân sách nhà nước ở địa phương nói riêng sẽ giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, đảm bảo được tính chính xác, nhanh chóng và thống nhất về mặt dữ liệu, tạo tiền đề cho những quy trình cải cách về mặt nghiệp vụ một cách hiệu quả.
Chính vì lẽ đó mà công nghệ tin học là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.
1.2.4.2.Các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến quản lý chi ngân sách
nhà nước
Một là:Điều kiện tự nhiên
Ở mỗi địa bàn khác nhau thì có điều kiện tự nhiên khác nhau (khí hậu, địa hình, hệ thống sông ngòi…) từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Những yếu tố không lường như thiên tai, hạn hán, sạt lở, lũ lụt... tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sự phát triển cũng như sự quản lý NSNN nói chung và quản lý chi NS nói riêng, sự biến động đó tác động đến các chính sách kinh tế xã hội ở tầm vi mô và vĩ mô của Nhà nước, các chiến lược kinh tế...
Có một số nhân tố khách quan có thể xảy ra đối với các huyện, vì vậy cần có sự xem xét, tính toán, lường trước các rủi ro này để công tác quản lý NS huyện đạt hiệu quả cao hơn.
Hai là: Điều kiện chính trị - kinh tế – xã hội
Quản lý chi ngân sách nhà nước huyện trên địa bàn địa phương đều chịu ảnh hưởng bởi điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội. Với môi trường chính trị ổn định, kinh tế phát triển, vốn đầu tư sẽ được cung cấp đầy đủ, đúng tiến độ, xã hội văn minh tiến bộ, dân trí cao thì việc quản lý NSNN nói chung và quản lý chi NSNN nói riêng sẽ diễn ra rất thuận tiện và hiệu quả, đảm bảo được mục đích của Nhà nước.
Ngược lại nền chính trị xung đột, xã hội kém phát triển, kinh tế mất ổn định, mức tăng trưởng kinh tế chậm, Nhà nước sẽ thắt chặt tín dụng để kìm chế lạm phát, các dự án sẽ bị điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, chi ngân sách nhà nước giảm. Lạm phát cũng làm cho giá cả nguyên vật liệu tăng, làm chi phí công trình tăng điều này có thể hoãn thực hiện dự án vì không đủ vốn đầu tư để thực hiện. Vì vậy, có thể nói các yếu tố về chính trị - kinh tế - xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý chi ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn địa phương.
Ba là: Cơ chế chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện
Trong kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, pháp luật đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc quản lý NS nhà nước nói chung và quản lý chi ngân sách nhà nước nói riêng. Hệ thống pháp luật với vai trò hướng dẫn và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong xã hội hoạt động theo trật tự, trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo sự công bằng, an toàn và hiệu quả đòi hỏi phải rất đầy đủ, chuẩn tắc và đồng bộ.
Vì vậy, hệ thống pháp luật, các chính sách liên quan đến quản lý chi ngân sách nhà nước sẽ có tác dụng kiềm hãm hay thúc đẩy hoạt động quản lý hiệu quả hay không hiệu quả chi ngân sách nhà nước ở địa phương.
Môi trường pháp lý là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới quản lý chi ngân sách nhà nước ở địa phương.
Chẳng hạn, định mức chi tiêu của Nhà nước là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng dự toán, phân bổ dự toán và kiểm soát chi tiêu trong đầu tư xây dựng cơ bản, cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá chất lượng quản lý và điều hành ngân sách nhà nước của các cấp chính quyền địa phương. Việc ban hành các định mức chi một cách khoa học, cụ thể, kịp thời sẽ góp phần không nhỏ trong việc quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Hay như, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, các cấp chính quyền trong việc quản lý chi ngân sách nhà nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác quản lý chi NS huyện. Chỉ trên cơ sở phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng của từng cơ quan, địa phương sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý chi ngân sách nhà nước huyện đạt hiệu quả, không lãng phí công sức, tiền của. Sự phân định trách nhiệm, quyền hạn phải được tôn trọng và thể chế hóa thành Luật để các cơ quan cũng như từng cá nhân có liên quan biết được phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó công việc được tiến hành trôi chảy, dựa trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch không đùn đẩy trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình rõ ràng sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý chi ngân sách nhà nước.
Bốn là: Khả năng về nguồn lực ngân sách nhà nước
Dự toán về chi ngân sách huyện được lập luôn luôn dựa và tính toán có khoa học của nguồn thu ngân sách, tức là căn cứ vào thực tiễn thu ngân sách các năm trước và dự báo tăng thu trong năm nay mà đề ra kế hoạch thu ngân sách, vì vậy, chi ngân sách huyện không được vượt quá thu ngân sách huyện, đồng thời cũng căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương để lập dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm. Đối với các địa phương có nguồn thu lớn thì không phụ thuộc vào NSTW cấp thì chủ động hơn trong việc lập dự toán chi ngân sách và quản lý chi ngân sách.