Để nghiên cứu khái niệm quản lý nhà nước, trước hết cần làm rõ khái niệm “quản lý”. Thuật ngữ “quản lý” thường được hiểu theo những cách khác nhau tuỳ theo góc độ khoa học khác nhau cũng như cách tiếp cận của người nghiên cứu. Quản lý là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Mỗi lĩnh vực khoa học có định nghĩa về quản lý dưới góc độ riêng của mình và nó phát triển ngày càng sâu rộng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Theo quan niệm của C.Mác: “Bất kỳ lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào đó mà được tiến hành tuân theo một quy mô tương đối lớn đều cần có sự quản lý ở mức độ nhiều hay ít nhằm phối hợp những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất, sự vận động này khác với sự vận động của các cơ quan độc lập của cơ thể đó. Một nhạc công tự điều khiển mình, nhưng một dàn nhạc phải có nhạc trưởng”[Các Mác – Ph. Ăng ghen toàn tập; tập 23; trang 23].
Tức theo Mác quản lý là nhằm phối hợp các lao động đơn lẻ để đạt được cái thống nhất của toàn bộ quá trình sản xuất. Ở đây Mác đã tiếp cận khái niệm quản lý từ góc độ mục đích của quản lý.
Theo quan niệm của các nhà khoa học nghiên cứu về quản lý hiện nay: Quản lý là sự tác động chỉ huy, điều khiển các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để chúng phát triển phù hợp với quy luật, đạt tới mục đích đã đề ra và đúng với ý trí của người quản lý.
Theo cách hiểu này thì quản lý là việc tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của xã hội nhằm đạt được một mục đích của người quản lý. Theo cách tiếp cận này, quản lý đã nói rõ cách thức quản lý và mục đích quản lý.
Như vậy, theo cách hiểu chung nhất thì quản lý là sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Việc tác động theo cách nào còn tuỳ thuộc vào các góc độ khoa học khác nhau, các lĩnh vực khác nhau cũng như cách tiếp cận của người nghiên cứu.
* Quản lý nhà nước
Theo Giáo trình quản lý hành chính nhà nước: “Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa” [Giáo trình quản lý hành chính nhà nước; tập 1; trang 407].
Như vậy, quản lý nhà nước là hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Quản lý nhà nước được xem là một hoạt động chức năng của nhà nước trong quản lý xã hội và có thể xem là hoạt động chức năng đặc biệt.Quản lý nhà nước được hiểu theo hai nghĩa:
- Theo nghĩa rộng: quản lý nhà nước là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, từ hoạt động lập pháp, hoạt động hành pháp, đến hoạt động tư pháp.
- Theo nghĩa hẹp: quản lý nhà nước chỉ bao gồm hoạt động hành pháp. Quản lý nhà nước được đề cập trong đề tài này là khái niệm quản lý nhà
nước theo nghĩa hẹp; quản lý nhà nước bao gồm toàn bộ các hoạt động từ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản mang tính dưới luật đến việc chỉ đạo trực tiếp hoạt động của đối tượng bị quản lý. Hoạt động quản lý nhà nước chủ yếu và trước hết được thực hiện bởi tất cả các cơ quan hành chính nhà nước.
* Quản lý nhà nước về mô hình PPP
Chưa có khái niệm cụ thể hoặc định nghĩa chính xác về quản lý nhà nước đối với mô hình PPP song từ việc làm rõ các khái niệm về QLNN và PPP ở phần trên cùng với một số văn bản có đề cập đến quản lý nhà nước đối với hợp đồng PPP ta có thể đưa ra những đặc trưng cơ bản về quản lý nhà nước đối với mô hình PPP như sau:
Quản lý nhà nước đối với mô hình PPP là quá trình nhà nước sử dụng trong phạm vi quyền lực của mình tác động có tổ chức và điều chỉnh vào các quan hệ nảy sinh trong mô hình PPP nhằm đảm bảo cho mô hình PPP diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ cơ quan nhà nước.
Quản lý nhà nước đối với mô hình PPP là một quá trình từ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài chính, đấu thầu; Tuyên truyền, phổ biến, chế độ, chính sách pháp luật về mô hình PPP; Tổ chức thực hiện chế độ, chính sách về hỗ trợ khuyến khích đầu tư theo mô hình PPP đến việc tổ chức bộ máy thực hiện chỉ đạo, điều hành cũng như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về mô hình PPP.