Quản lý nhà nước có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của bất cứ quốc gia, xã hội nào nói chung và đối với mỗi ngành, lĩnh vực nói riêng trong đó có mô hình hợp tác công tư (PPP).
Nhà nước xác lập sự tồn tại của mô hình hợp tác công tư trong nền kinh tế, trong đó Nhà nước là một chủ thể chính tham gia hoạt động cùng với các đối tác ở khu vực tư nhân. Quản lý Nhà nước về mô hình PPP vừa đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước vừa đảm bảo hoạt động của Nhà nước khi tham gia mô hình PPP.
Để đảm bảo mô hình hợp tác công tư được thực thi trên thực tế, nhà nước đề ra những văn bản pháp luật quy định rõ ràng về điều kiện, cách thức triển khai các dự án theo mô hình hợp tác công tư. Nhà nước vừa là chủ thể tuân theo những quy định, nguyên tắc của mô hình PPP vừa là chủ thể đề ra những nguyên tắc, quy định đó.
Nhà nước trực tiếp điều hành, chỉ đạo các dự án theo mô hình PPP. Mô hình hợp tác công - tư là mô hình hợp tác đặc biệt trong đó một đối tác tham gia là Nhà nước với sức mạnh là quyền lực nhà nước, là một chủ thể có các công cụ về pháp luật, chính sách, tài chính, đất đai... để tham gia hợp tác. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho các đối tác tư nhân tham gia hợp tác, nhà nước có những quy định ràng buộc về trách nhiệm cũng như quyền lợi của các bên để khi tham gia các đối tác tư nhân có thể tính toán được các lợi ích cũng như rủi ro sau này.
Do đặc điểm hoạt động của khu vực tư nhân lấy lợi nhuận làm động lực để phát triển nên trong bất cứ mô hình hợp tác nào, nhà đầu tư tư nhân cũng phải tối đa hóa lợi ích của mình. Vai trò quản lý của nhà nước phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng các dịch vụ công sau này.