Ban chỉ đạo nhà nước về hợp tác công tư đã được thành lập tuy nhiên vẫn chưa có được một địa vị pháp lý vững chắc nên khó là cơ quan tham mưu, hoạch định về cơ chế chính sách đối với các dự án hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trong quản lý nhà nước đối với các dự án hợp tác công tư nói
chung và dự án hợp tác công tư trong ngành hàng không nói riêng cũng chưa có một văn bản cụ thể về phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ chuyên ngành. Tại các Bộ, ngành và địa phương có nhiều dự án PPP có thể thành lập các Tổ công tác PPP trực thuộc Ban chỉ đạo, tuy nhiên vai trò của các Tổ này và mối quan hệ như thế nào với các Bộ, cơ quan trung ương cũng cần được quy định rõ. Từ đó giải pháp cần thực hiện là:
Thành lập Ủy ban PPP
Trong quá trình thu hút tư nhân tham gia vào bất cứ dịch vụ công cộng nào, bước đi hợp lý đầu tiên là thành lập Ủy ban PPP để đánh giá và phê duyệt dự án. Việc thành lập và các chức năng, nhiệm vụ của ủy ban cần được qui định theo pháp luật. Ủy ban cần có một phó thủ tướng đứng đầu, các đại diện từ các bộ ngành liên quan và nên có đại diện có năng lực của tư nhân nhằm tận dụng các lợi thế của khu vực này cũng như nâng cao năng lực của ủy ban (chú ý: qui định rõ điều lệ hoạt động của ủy ban nhằm hạn chế xung đột lợi ích). Vai trò chính của Ủy ban là giám sát chương trình PPP ngành hàng không và chuẩn bị các danh mục dự án ưu tiên. Ủy ban đảm bảo rằng các ASB chỉ đề xuất dự án nếu họ có đủ năng lực chuẩn bị dự án và quản lý trong suốt quá trình từ chuẩn bị đến thực hiện dự án, đồng thời phải làm rõ khả năng ASB có đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình PPP. Ở cấp độ dự án, ủy ban sẽ bảo đảm các dự án được chuẩn bị tốt, khả thi, có khả năng thanh toán và đúng qui trình, các dự án được ưu tiên theo đúng trình tự hợp lý và không nằm ngoài qui hoạch tổng thể.
Không nên xem việc thành lập Ủy ban PPP như một cách lấn sân vào công việc tốt đẹp đang được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Ủy ban này sẽ giảm thiểu những thủ tục hành chính rườm rà vì không phải qua nhiều “cửa”, phải tự cam kết sẽ giám sát các hoạt động đường hàng không một cách đáng tin cậy với quan điểm tuân thủ yêu cầu quản trị minh bạch.
3.3.7. Giải pháp về thanh tra, kiểm tra đối với các dự án hợp tác công tư trong ngành hàng không