Quy trình tuyển dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, tỉnh cao bằng (Trang 65 - 71)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Thực trạng tuyển dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy

2.2.5. Quy trình tuyển dụng

- Xác định nhu cầu:

Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các công việc tuyển dụng công chức hành chính trên địa bàn tỉnh, hàng năm Sở Nội vụ căn cứ vào chỉ tiêu biên chế công chức hành chính được giao và có mặt trên toàn tỉnh ban hành Công văn đề nghị các địa phương đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức.

- Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Sau khi tổng hợp nhu cầu đăng ký tuyển dụng từ các huyện, thành phố gửi về, Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng, và ra Thông báo tuyển dụng. Thông báo tuyển dụng công chức được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ là Sở Nội vụ và tại Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ để người đăng ký dự tuyển biết.

- Ban hành danh mục tài liệu ôn tập và phân chia chuyên ngành tuyển dụng.

Để thực hiện quy định thi tuyển theo vị trí việc làm của Luật cán bộ công chức năm 2008. Từ khi bắt đầu thực hiện tuyển dụng công chức theo hình thức thi tuyển vào năm 2013, căn cứ vào bảng tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị và bản mô tả vị trí việc làm của vị trí tuyển dụng. Hội đồng tuyển dụng phân chia các mã ngành dự tuyển công chức cấp huyện dựa trên nguyên tắc các vị trí việc làm có cùng chuyên môn quản lý nhà nước thì chuyên ngành thi tuyển

giống nhau. Cụ thể, các chuyên ngành thi tuyển của kỳ thi tuyển năm 2015 gồm 07 chuyên ngành tương ứng với 07 lĩnh vực quản lý nhà nước như sau:

+ Lĩnh vực Xây dựng cơ bản: Sở Xây dựng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế; Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện: Bảo Lâm, Hà Quảng, Trùng Khánh

+ Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và PTNT; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Uyên

+ Lĩnh vực Thanh tra: Thanh tra huyện Bảo Lạc

+ Lĩnh vực Nội vụ: Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ các huyện: Bảo Lạc, Hạ Lang, Quảng Uyên

+ Lĩnh vực Tài nguyên môi trường: Văn phòng HĐND và UBND Thành phố Cao Bằng; Phòng Tài Nguyên - Môi trường các huyện: Hà Quảng, Hạ Lang + Lĩnh vực Văn phòng: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện: Trà Lĩnh, Nguyên Bình

+ Lĩnh vực Tư pháp: Phòng Tư pháp các huyện: Hà Quảng, Quảng Uyên - Tổ chức thi tuyển

Hội đồng tuyển dụng công chức Thành lập các Ban giúp việc (Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm) và trưng tập người tham gia các Ban

Các văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức quy định người dự tuyển công chức phải dự thi tổng cộng là 5 bài thi, trong đó, môn Ngoại ngữ và môn tin học là môn điều kiện không tính vào tổng điểm xét tuyển, nhưng người dự thi phải được tối thiểu là 50 điểm (thang điểm 100) mới đủ điều kiện xét tuyển. Theo quy định này, các môn chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức chung dù được điểm cao nhưng ngoại ngữ tin học không đạt thì người dự tuyển cũng không đủ điều kiện xét tuyển công chức, ngược lại nếu môn điều kiện được điểm cao mà các môn còn lại điểm thấp thì người dự tuyển cũng khó có cơ hội trúng tuyển.

Kỳ thi tuyển năm 2013 tỉnh Cao Bằng thực hiện thi một đợt cả 05 bài thi công chức sau đó thực hiện chấm thi và tổng hợp kết quả với cả 05 bài thi. Qua kết quả kỳ thi tuyển công chức năm 2013 nhận thấy trong các môn thi, nhiều người không đạt điểm tối thiểu môn điều kiện, nhiều người lại không đạt các

môn chuyên ngành. Đặc biệt với đặc điểm của tỉnh Cao Bằng các thí sinh trượt môn điều kiện, nhất là môn tiếng Anh chiếm một lượng khá đông. Thêm vào đó, số lượng bài thi trong kỳ thi tuyển công chức là khá nhiều, để thi hết 5 môn, kỳ thi phải kéo dài từ 2 đến 3 ngày gây sự mệt mỏi và sức ép rất lớn cho thí sinh và cả những người làm công tác tổ chức. Trong đó có nhiều bài thi không cần thiết với một số thí sinh (ví dụ: thí sinh không đạt ở các môn điều kiện thì tiếp tục thi các môn chuyên môn nghiệp vụ là không cần thiết).

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi tuyển công chức năm 2013, năm 2014 trở đi, tỉnh Cao Bằng đã chia kỳ thi tuyển công chức thành 2 đợt. Đợt một tổ chức thi hai môn điều kiện là ngoại ngữ và tin học, đợt hai thi kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành. Sau khi thi xong các môn điều kiện, tổng hợp kết quả, nếu thí sinh nào trượt một trong hai môn thì loại khỏi danh sách dự thi các môn tiếp theo. Kết quả kỳ thi tuyển công chức năm 2014 vòng một đã loại ra gần 40% thí sinh không đủ điều kiện thi tiếp.

Từ kỳ thi tuyển công chức năm 2014, những kỳ thi tuyển tiếp theo tỉnh Cao Bằng đều thực hiện quy trình thi tuyển công chức thực hiện thành 02 đợt, cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2017, lần đầu tiên Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh Cao Bằng phối hợp với trường Đại học Nội vụ tổ chức thi thực hành trên máy đối với môn Tin học. Sau khi tổ chức chấm thi, chấm phúc khảo và công bố điểm thi hai môn điều kiện, Hội đồng tuyển dụng công chức tiến hành công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện thi vòng 2 trước ngày thi ít nhất 7 ngày. Để phục vụ vòng thi Kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành, Hội đồng tuyển dụng công chức tiếp tục thành lập các Ban giúp việc của Hội đồng (Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi) để giúp Hội đồng tuyển dụng thực hiện các công việc như ra đề, coi thi và chấm thi môn Kiến thức chung và Nghiệp vụ chuyên ngành. Các thành viên của bộ phận giúp việc cho Hội đồng thi tuyển đều đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, tại quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức ban hành Kèm theo Thông tư số 13/TT/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ

- Quy trình làm việc của các Ban giúp việc Hội đồng tuyển dụng

Ban Đề: Trước ngày thi khoảng 5 đến 7 ngày tùy thuộc vào số lượng đề thi, Hội đồng tuyển dụng công chức triệu tập các thành viên của Ban Đề thi tại Nhà Khảo thí của tỉnh trong khu vực Trường Trung học phổ thông thành phố Cao Bằng để thực hiện công tác ra đề. Các khâu ra đề và sao in đề thi đều được bảo mật tuyệt đối và in đủ theo số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Ban đề được cách ly cho đến khi môn thi cuối cùng của mỗi đợt thi kết thúc.

Ban Coi thi: Tùy vày số lượng thí sinh của từng đợt mà số lượng thành viên của Ban Coi thi được trưng tập cho phù hợp, đảm bảo mỗi phòng thi có 02 giám thị phụ trách bên trong phòng thi và và 01 giám thị phụ trách khu vực hành lang. Thành phần ban Coi thi đảm bảo không đồng thời là thành viên của Ban đề và Ban chấm thi.

Ban Phách: Cũng tùy theo số lượng bài thi mà trưng tập thành viên ban Phách, Thành viên Ban Phách đồng thời là Ủy viên Kiêm Thư ký Hội đồng tuyển dụng. Quá trình cắt phách được tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo mật tuyệt đối số lượng và ký hiệu đầu phách, làm việc cách ly theo quy định. Ban phách được cách ly cho đến khi Ban Chấm thi chấm xong bài thi công chức.

Ban Chấm thi: Ban chấm thi được triệu tập làm việc cho đến khi chấm xong tất cả các bài thi, Ban chấm thi làm việc theo nguyên tắc mỗi bài thi phải có ít nhất 02 giám khảo chấm độc lập, thành viên Ban chấm thi là những công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ngành của tỉnh, được chọn lựa từ những người có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm trong công tác, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt.

Tổ chức ghép phách và tổng hợp điểm thi: Sau khi ban chấm thi hoàn thành nhiệm vụ, Hội đồng tuyển dụng thành lập Tổ tổng hợp điểm thi tiến hành ghép phách bài thi, tổng hợp kết quả điểm thi theo đúng quy trình, đảm bảo chính xác việc ghép phách và tổng hợp điểm thi chính xác tuyệt đối. Quy trình đọc điểm, ghi điểm đều có sự giám sát của thành viên Ban Giám sát và Công an tỉnh. Sau khi tổng hợp điểm xong, những người tham gia tổng hợp đều phải ký xác nhận vào từng trang của bản tổng hợp điểm để tránh trường hợp sửa chữa.

Quá trình làm việc của các Ban giúp việc của Hội đồng tuyển dụng đều đảm bảo diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có sự giám sát và bảo vệ của các chiến sĩ công an Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (PA83) và Phòng Cảnh sát cơ động (PK20) Công an tỉnh và sự giám sát của Ban giám sát. Các quy trình liên quan đến bài thi đều được lập biên bản và niêm phong theo quy định.

- Thông báo kết quả thi tuyển

Công bố kết quả thi, chấm và công bố điểm phúc khảo: Sau khi có kết quả điểm thi các môn, cơ quan Thường trực báo cáo Hội đồng tuyển dụng công chức kết quả thi tuyển và thông báo điểm thi đến thi sinh thông qua các phương tiện thông tin như Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ và niêm yết công khai tại trụ sở Sở Nội vụ. Thí sinh có quyền gửi đơn phúc khảo bài thi trong vòng 15 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả thi tuyển. Sau khi hết thời hạn nhân đơn phúc khảo, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi tổng hợp báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức chấm phúc khảo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn đề nghị phúc khảo.

Việc thí sinh phúc khảo kết quả điểm thi là việc rất bình thường diễn ra ở mọi kỳ thi, kết quả chấm sau phúc khảo thường biến động không nhiều. Trong mỗi kỳ thi tuyển công chức có nhiều trường hợp điểm thi của các thi sinh chênh lệch nhau không lớn, rất nhiều trường hợp mức độ chênh lệch điểm thi chỉ từ 0,5 đến 01 điểm, mức điểm này so với tổng số 400 điểm của 03 bài thi là không nhiều, nhưng so sánh trong trường hợp thí sinh trượt và thí sinh đỗ thì đây là vấn đề rất lớn bởi đây là kỳ thi tuyển cạnh tranh, xác định người trúng tuyển theo nguyên tắc điểm từ thứ tự cao xuống thấp cho đên hết chỉ tiêu tuyển dụng. Trong khi đó, mỗi vị trí tuyển dụng trung bình chỉ có 01 chỉ tiêu nhưng có hàng chục, thậm chí vài chục thí sinh sự tuyển thì việc thay đổi kết quả điểm thi dẫn tới thay đổi kết quả thi là vấn đề rất lớn. Vì tất cả các nội dung trên được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nên sự thay đổi dù lớn hay nhỏ đều tạo dư luận không tốt đối với các cơ quan làm công tác tuyển dụng, nhất là nếu sự thay đổi đó lại có lợi cho thi sinh phúc khảo bởi theo quy định của

Thông tư 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Nội vụ là “kết quả chấm phúc khảo được tổng hợp vào kết quả thi”.

Qua thực tế nhiều năm làm công tác tuyển dụng tại Sở Nội vụ cũng như tham gia ban Chấm thi công chức, tác giả nhận thấy để kết quả chấm phúc khảo các môn tự luận của lần chấm phúc khảo bằng điểm của lần chấm thi đầu tiên là trường hợp ít khi xảy ra mà thường có độ chênh lệch từ 0,5 đến 4 điểm. Mặc dù đề thi và đáp án đã rất cụ thể, có hướng dẫn chấm và khung điểm rõ ràng cho từng nội dung, nhưng không phải thí sinh nào cũng làm đúng như đáp án. Đó chính là khoảng dành cho các giám khảo quyết định nên sự chênh lệch điểm trong các lần chấm là bình thường. Điều này cũng nằm trong quy định cho phép của Luật tại Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 quy định: Các giám khảo chấm độc lập được chấm chênh lệch nhau trong khoảng 10% điểm số bài thi. Tuy chưa lần nào xảy ra trường hợp thay đổi kết quả thi theo hướng, thí sinh đỗ thành trượt nhưng đã xảy ra nhiều trường hợp có thí sinh từ trượt thành đỗ sau khi phúc khảo, tuy việc đỗ công chức của thí sinh đó tuy không ảnh hưởng đến các thí sinh khác nhưng những sự việc như vậy cũng đã tạo ra dư luận không tốt về tính nghiêm minh, chính xác của kỳ thi.

- Quyết định tuyển dụng, nhận việc và tập sự

Sau khi có Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng của Ủy ban nhân dân tỉnh, gồm các danh sách thí sinh dự tuyển, trúng tuyển và không trúng tuyển. Sở Nội vụ gửi thông báo kết quả tuyển dụng đến các thí sinh, đối với những thí sinh trúng tuyển sẽ phải hoàn thiện hồ sơ trúng tuyển. Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự được quy định như sau: 12 tháng đối với ngạch chuyên viên, 06 tháng đối với ngạch cán sự.

- Vấn đề bố trí công tác sau tuyển dụng:

Có một thực tế ở tỉnh Cao Bằng tuy không phải là phổ biến nhưng đã có rất nhiều trường hợp thí sinh dự thi vào một vị trí nhưng trong quá trình bố trí, sử dụng, thậm chí ngay cả khi chưa hết thời gian tập sự đã được điều sang bộ phận

khác. Ví dụ như thi tuyển và đỗ vào vị trí chuyên viên phòng Nội vụ huyện nhưng chỉ vài tháng sau lại được điều động sang phòng Giáo dục và Đào tạo hay đỗ vào phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng thời gian sau lại được điều đến phòng Lao động – Thương binh và Xã hội… Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc thi tuyển theo vị trí việc làm. Bởi vì thí sinh thi vào phòng Nội vụ phải ôn tập và thi các nội dung thuộc chuyên môn của lĩnh vực nội vụ nhưng sau khi trúng truyển lại được phân công công tác tại lĩnh vực khác hoàn toàn với chuyên môn của ngành nội vụ thì việc thi tuyển theo vị trí việc làm của thí sinh không có tác dụng và nhiều khi chỉ mang tính hình thức và gây lãng phí. Vấn đề này là một thực tế tồn tại khá lâu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Mặc dù Sở Nội vụ, cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác cán bộ đã có ý kiến nhiều lần, thậm chí là bằng văn bản với các địa phương nhưng việc này vẫn thường xuyên tái diễn. Do việc bố trí, sử dụng và phân công công tác thuộc thẩm quyền của huyện, và địa phương thường xuyên lý giải là do yêu cầu của công việc hay điều chuyển nhân sự để cân đối giữa các phòng chuyên môn nên nay vẫn không có giải pháp nào để khắc phục hoàn toàn tình trạng trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, tỉnh cao bằng (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)