Cơ chế một cửa là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.
Cơ chế một cửa liên thông là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.
Với mô hình “một cửa điện tử”, người dân khi thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực trên, chỉ cần nộp hồ sơ tại một cửa giao dịch và sau đó nhận kết quả trực tiếp tại cửa giao dịch này. Hiệu quả đầu tiên từ mô hình này là giảm sự phiền hà cho người dân, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Người dân có thể gọi điện thoại, tra cứu thông tin trên mạng internet để biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình. Cơ chế quản lý, giải quyết thủ tục hành chính của nhà nước cũng đã có sự chuyển biến quan trọng từ “mệnh lệnh cửa quyền” sang “phục vụ người dân”.
Mô hình cũng đã giúp nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị trong việc tận tụy phục vụ nhân dân.
Một trong những nét mới mang tính ưu việt của “một cửa điện tử” là áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, tạo nên bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thành thạo công nghệ tin học, mà mô hình còn tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu và làm quen với máy vi tính.
Ưu điểm vượt trội của “một cửa điện tử” là khi người dân đến giao dịch sẽ được cán bộ phụ trách “một cửa” cấp cho một bộ hồ sơ có mã vạch và hẹn thời gian trả hồ sơ. Với hồ sơ có mã vạch đó, người dân chỉ cần đưa mã vạch vào máy đọc, hoặc gõ những thông tin cần thiết thì có thể biết được hồ sơ của mình hiện đang nằm ở bộ phận nào, do cán bộ nào phụ trách. Việc theo dõi đường đi của hồ sơ một cách công khai này giúp cho lãnh đạo biết được tiến độ cũng như tinh thần làm việc của các cán bộ phụ trách lĩnh vực một cửa tại địa phương.
Là công cụ hữu hiệu để người dân và lãnh đạo phường giám sát các dịch vụ công. Người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp, được cung cấp thông tin ở mọi nơi, mọi lúc và không phụ thuộc vào tinh thần làm việc hay thái độ của cán bộ phường. Mặt khác, người dân có thể biết được tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, chính xác; công khai, minh bạch hóa các hoạt động của chính quyền phường.