Tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 và Điều 11 Luật Tổ chức TAND 2014 đã qui định: Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân
và các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Kịp thời, công bằng, công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Việc xét xử kịp thời, công bằng, công khai, một mặt bảo đảm cho nhân dân có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của Toà án, và mặt khác phát huy được tính giáo dục chính trị – pháp lý và tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai là một trong những bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Phiên toà xét xử của Toà án được tiến hành một cách kịp thời, công bằng, công khai, mọi người đạt độ tuổi nhất định có quyền tham dự phiên toà xét xử. Phiên toà xét xử có thể được tiến hành tại phòng xét xử trong trụ sở của Toà án, nhưng cũng có thể được xét xử lưu động tại nơi xảy ra việc phạm tội hoặc nơi cư trú của bị cáo nếu xét thấy cần thiết. Nội dung phiên toà, thời gian, địa điểm mở phiên toà phải được niêm yết công khai trước khi xét xử, kết quả xét xử tại phiên toà có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác cho mọi người biết. Việc xét xử công khai được áp dụng đối với hoạt động xét xử sơ thẩm và hoạt động xét xử phúc thẩm. Việc xét xử kín chỉ được tiến hành trong trường hợp đặc biệt như thuộc về bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật đời tư v.v nhưng bản án và quyết định của phiên toà đó cũng phải được tuyên công khai. Khi xét xử, Tòa án (Hội đồng xét xử) chỉ căn cứ vào các qui định của pháp luật (có hiệu lực chung với tất cả mọi người), trên cơ sở các chứng cứ khách quan, có cân nhắc đến các yếu tố riêng của vụ việc xét xử để đưa ra các phán quyết khách quan, công bằng. Những yếu tố riêng được Tòa án cân nhắc khi xét xử cũng phải là những yếu tố đã được pháp luật dự liệu và
qui định như hoàn cảnh địa điểm, thời gian và đặc điểm nhân thân riêng của đương sự và vụ việc tranh chấp.