dân cấp huyện theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Trong thời gian qua, công tác đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp đã từng bước chuyển biến và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách xu thế chung. Do đó đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân nói chung và việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân cấp huyện theo yêu cầu cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết nói riêng, nhằm xây dựng Tòa án công khai, minh bạch, thân tiện, gần dân, phục vụ nhân dân, vì vậy cần phải có bước đi thích hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của cả hệ thống các cơ quan nhà nước.
- Tòa án nhân dân cấp huyện phải được tổ chức theo thẩm quyền xét xử trong hệ thống Tòa án nhân dân nhằm nâng cao năng lực xét xử, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta;
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện phải đảm bảo hợp lý, khoa học, hiện đại về cơ cấu tổ chức; bảo đảm điều kiện vật chất, phương tiện làm việc để Tòa án thực hiện nguyên tắc Tòa án xét xử hai cấp; khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; khắc phục những tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay.
- Nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả xét xử; xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, từ đó nâng cao chất lượng, kết quả của bản án, quyết định của tòa án.
Trên cơ sở các mục tiêu trên, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
Một là, cần nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện. Năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện được hiểu là khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện được cấu thành bởi các yếu tố cơ bản là: Cơ cấu tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân cấp huyện; trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, công chức Tòa án; sự phối hợp giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Hai là, phải bảo đảm tính độc lập của Tòa án nhân dân cấp huyện trong hoạt động xét xử. Hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật, theo đó thông qua sự đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ án và đối chiếu với các quy định của pháp luật, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đưa ra các bản án, quyết định nhân danh Nhà nước. Bởi vậy, muốn có sự đánh giá, áp dụng đúng pháp luật, khách quan thì Tòa án và các Thẩm phán phải có sự độc lập cả về tổ chức và ý chí quyết định. Ở nhiều nước trên thế giới, yêu cầu bảo đảm sự độc lập của Tòa án là một nguyên tắc có tính hiến định, trong đó chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán được quy định một cách rõ ràng, độc lập và không lệ thuộc vào các cơ quan lập pháp, hành pháp. Sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và đề cao sự độc lập của Thẩm phán là điều kiện để Thẩm phán thực hiện chức năng xét xử.
Việc quy định Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng để Thẩm phán không phải chịu áp lực từ các cơ quan, người có thẩm quyền, đồng thời cũng nâng cao ý thức trách nhiệm của Thẩm phán trong việc đảm bảo công lý. Chính vì vậy, để đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán, nhiều nước quy định Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời hoặc với nhiệm kỳ đặc biệt cùng với những chế độ đãi ngộ tương xứng để đảm bảo tính liêm chính của Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán ở nước ta đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Nguyên tắc độc lập của Tòa án, khi xét xử Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013 và được cụ thể hoá tại Điều 9 Luật Tổ chức TAND năm 2014 là: “Khi xét xử, Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức và hoạt động của Hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, Tòa án nhân dân cấp huyện nói riêng. Điều này đòi hỏi các Tòa án nhân dân cấp huyện phải được tổ chức độc lập với các cơ quan, tổ chức khác tại địa phương; hoạt động xét xử không bị can thiệp trái pháp luật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tiến tới nghiên cứu quy định việc bổ nhiệm Thẩm phán với nhiệm kỳ lâu dài và chế độ đãi ngộ tương xứng để Thẩm phán yên tâm, liêm chính thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ba là: Bảo đảm tính giám sát đối với hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Đây là một yêu cầu quan trọng, tất yếu ở bất kỳ nhà nước nào, bởi vì, về bản chất quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nên hoạt động của Tòa án đòi hỏi có sự giám sát từ các thiết chế của nhân dân. Giám sát là một biện pháp đảm bảo cho Tòa án phải xét xử độc lập và tuân theo pháp luật, nếu Thẩm phán xét xử không đúng, các chủ thể giám sát sẽ có ý kiến, kiến nghị.
Cơ chế giám sát đối với hoạt động xét xử của Tòa án là cơ chế dân chủ, bởi vì hoạt động của Tòa án liên quan đến công lý, phán xét các quyền cơ bản của con người (quyền sống, quyền tự do thân thể, quyền sở hữu, sử dụng tài sản của công dân…). Ở các nước, để đảm bảo tính dân chủ và giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, pháp luật có quy định sự tham gia của nhân dân thông qua sự hiện diện của Bồi thẩm đoàn, Hội thẩm trong quá trình xét xử cùng với Thẩm phán. Ở nước ta, tính nhân dân trong tổ chức và hoạt động của Tòa án là một nguyên tắc có tính hiến định được quy định tại khoản 1 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và cũng được khẳng định tại Điều 8 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, theo đó thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Để đảm bảo tính khách quan, bình đẳng trong hoạt động xét xử, pháp luật đã quy định, đảm bảo tính ngang quyền và độc lập của Hội thẩm nhân dân với Thẩm phán; Hội thẩm nhân dân cũng là người giám sát việc tuân thủ các trình tự, thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử tại phiên tòa.
Tóm tắt chương 1
Qua nghiên cứu một số vấn đề lý luận tổ chức và hoạt động của Tòa án và những mục tiêu, yêu cầu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta, có thể rút ra một số kết luận sau:
Quyền Tư pháp là một trong 3 quyền quan trọng trong tổ chức quyền lực Nhà nước, trong đó Tòa án là chủ thể được giao thực hiện quyền này. Tòa án là cơ quan được thành lập để thực hiện chức năng xét xử. Để Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử thì yêu cầu quan trọng nhất là cần có những đảm bảo để Tòa án độc lập; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và bảo đảm các nguyên tắc mang tính phổ quát trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Ở nước ta, hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ, thực hiện chức năng xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, kinh doanh, thương mại và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân cấp huyện là cấp Tòa án có vai trò quan trọng, thực hiện việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án theo thẩm quyền.
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách tư pháp hiện nay, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nói chung, Tòa án nhân dân cấp huyện nói riêng cần hướng tới các mục tiêu cơ bản là: nâng cao năng lực xét xử; đảm bảo tính độc lập của Tòa án và Thẩm phán trong hoạt động xét xử và bảo đảm việc giám sát đối với hoạt động xét xử.
Chương 2
THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG