Ngày 18/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp 1980. Các quy định của Hiến pháp năm 1980 về Tòa án nhân dân tiếp tục được kế thừa và phát triển từ các quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Các quy định của Hiến pháp năm 1980 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được cụ thể hoá bằng Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 03/7/1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22/12/1988.
Sau khi có luật tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã rà soát lại đội ngũ cán bộ công chức, từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ để xây dựng bộ máy tổ chức Tòa án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Theo chủ trương thì đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tỉnh và các huyện được chọn lọc và bồi dưỡng nghiệp vụ để đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên”. Tuy được đào tạo, bồi dưỡng nhưng hầu hết chỉ qua lớp cấp tốc, ngắn hạn nên chưa có nghiệp vụ chuyên sâu. Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh chuyển vào Huế, việc nắm bắt thông tin cuả nước cũng như cuả tỉnh khó khăn, ít nhạy cảm. Sự chỉ đạo của cấp trên cũng thiếu thường xuyên nên hoạt động của Tòa án huyện ở địa bàn Quảng Bình có nhiều mặt lúng túng và ít nhiều có hạn chế.
Sau gần 14 năm sát nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, nhưng đặc điểm tự nhiên của Bình Trị Thiên một tỉnh hẹp và dài, điều kiện kinh tế xã hội không thống nhất giữa hai vùng Nam Bắc v.v. nên Quốc Hội khóa V (họp tại Hà Nội từ ngày 19 đến 30/6/1989) đã ra Nghị quyết phân định lại địa giới hành chính, chia lại thành ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế. Ngày
11/7/1989 Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 155/QĐ-QLTA thành lập Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình ngày đầu thành lập có 13 cán bộ công nhân viên được chuyển từ Tòa án Bình Trị Thiên ra và trong đó có tuyển dụng thêm 5 cán bộ, 6 Thẩm phán. Bà Nguyễn Thị Hướng làm Chánh án, ông Phạm Xuân Sơn làm Phó chánh án. Cùng với chấn chỉnh Tòa án tỉnh, lãnh đạo Tòa án đã phối hợp với ngành Tư pháp chuẩn bị nhân sự cho Tòa án cấp huyện theo đúng tinh thần Thông tư267 (14/8/1989) của Bộ tư pháp. Hệ thống Tòa án cấp huyện được bầu lại với 23 Thẩm phán và 112 Hội thẩm nhân dân. Thực hiện Chỉ thị 135 và Quyết định 240 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các Tòa án nhân dân huyện, thị xã phối hợp tích cực với các cơ quan khối nội chính đẩy nhanh tốc độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời và kiên quyết trừng trị thích đáng bọn tội phạm [43].