bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp 2013 và Điều 14 Luật Tổ chức TAND năm 2014 qui định trong quá trình xét xử. Bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của tố tụng hình sự, đối trọng với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Chính sự đối trọng này đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự được dân chủ, khách quan. Có buộc tội mà không có bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. Tố tụng hình sự không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối trọng là chức năng bào chữa. Do đó quyền bào chữa của bị cáo trong tố tụng hình sự luôn được bảo đảm, thể hiện qua việc bị cáo có quyền tự mình mời người bào chữa cho mình. Nếu người bào chữa được mời không vi phạm qui định về những trường hợp không được bào chữa thì Tòa án phải chấp nhận người bào chữa do bị cáo mời. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu bị cáo không mời người bào chữa thì Tòa án (cơ quan tiến hành tố tụng nói chung) phải mời người bào chữa cho bị cáo. Trong các quan hệ pháp luật tố tụng khác, các đương sự được bảo đảm quyền bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, do vậy họ có quyền tự mình bảo vệ (viện dẫn chứng cứ, cung cấp chứng cứ, tài liệu, tranh luận khi xét xử, khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo qui định của pháp luật tố tụng); hoặc có quyền nhờ người khác (luật sư, người đại diện hợp pháp) đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án phải tôn trọng các quyền của đương sự.