Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) ảnh hưởng của hoạt động đầu tư đến hiệu quả của hoạt động của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 26 - 30)

5. Bố cục luận văn

1.2.4.Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động

Có rất nhiều các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động, nhưng các chỉ tiêu thường được sử dụng nhất trong các nghiên cứu có thể chia thành hai loại chính: (1) Các hệ số giá trị kế toán, còn gọi là các hệ số về lợi nhuận; (2) Các hệ số giá trị thị trường, còn gọi là các hệ số về tăng trưởng tài sản. Đây là hai loại chỉ tiêu tổng hợp mang tính phản ánh khái quát và cho phép kết luận về hiệu quả kinh tế của toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, phản ánh trình độ

sử dụng tất cả các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định (tư liệu sản xuất, nguyên, nhiên vật liệu, lao động, ... và tất nhiên bao hàm cả tác động của yếu tố quản trị đến việc sử dụng có hiệu quả các yếu tố trên)

a. Hệ số về lợi nhuận

Xét trên cả phương diện lý thuyết và thực tiễn quản trị kinh doanh, các nhà kinh tế cũng như các nhà quản trị hoạt động kinh doanh thực tế ở các doanh nghiệp và các nhà tài trợ khi xem xét hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đều quan tâm trước hết đến việc tính toán đánh giá chỉ tiêu chung phản ánh lợi nhuận của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu lợi nhuận được dùng nhiều nhất bao gồm lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Công thức:

ROA = Lợi nhuận ròng Tổng tài sản

ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). ROA đối với các doanh nghiệp cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các doanh nghiệp, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi doanh nghiệp qua các năm và so giữa các doanh nghiệp tương đồng nhau.

Tài sản của một doanh nghiệp được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp. Hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì doanh nghiệp đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn.

ROE = Lợi nhuận ròng VCSH

Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lời. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của doanh nghiệp nào.

Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là doanh nghiệp đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

Một số nghiên cứu khác sử dụng Lợi suất cổ tức

DY = Cổ tức cổ phiếu Thị giá cổ phiếu

Lợi nhuận trên doanh thu

ROS = Lợi nhuận Doanh thu

Lợi nhuận trên vốn đầu tư

ROI = Lợi nhuận Vốn đầu tư

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cách sử dụng ROI thực ra chính là ROA, như trong nghiên cứu của Shah, Butt & Saeed (2011). Nhìn chung, ROA và ROE là hai hệ số được sử dụng phổ biến nhất. Đáng chú ý là giá trị của hai hệ số này có thể phụ thuộc vào cách tính lợi nhuận. Mặc dù lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) được nhiều nhà nghiên cứu chọn để tính hai hệ số trên (Hu & Izumida 2008; Le & Buck 2011; Wang & Xiao 2011), một số nghiên cứu khác sử dụng lợi nhuận thuần cộng với lãi vay (trước hoặc sau thuế) (Shah, Butt & Saeed 2011; Thomsen & Pedersen 2000), hoặc đơn giản chỉ là lợi nhuận thuần (LI, Sun & Zou 2009; Tian & Estrin 2008); trong khi

đó, có nghiên cứu lại cho rằng lợi nhuận trước thuế, lãi vay, hao mòn và khấu hao (EBITDA) nên được dùng. Ngoài ý nghĩa tài chính khác nhau, lý do của những cách tính khác nhau như vậy có thể là do hạn chế về cơ sở dữ liệu; trong nhiều trường hợp, sự không đầy đủ của cơ sở dữ liệu sẽ khiến cho một số nghiên cứu buộc phải có cách tính khác nhau.

b. Hệ số về tăng trưởng tài sản

Đối với nhóm hệ số giá trị thị trường, hai hệ số Marris và Tobin’s Q rất thông dụng như là công cụ đánh giá tốt về hiệu quả tài chính doanh nghiệp;

Trong đó:

Marris = Giá thị trường VCSH Giá sổ sách VCSH

Tobin’s Q = Giá thị trường VCSH+Giá trị sổ sách nợ phải trả

Giá sổ sách tổng tài sản

Do đó, các hệ số này hoàn toàn có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của phần vốn sở hữu của Nhà nước, bởi vì nó có thể phản ánh trực tiếp mức độ tăng trưởng giá trị vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn doanh nghiệp.

So sánh hai nhóm hệ số trên, các hệ số ROA và ROE là những chỉ báo hiệu quả cho kết quả sản xuất kinh doanh hiện tại và phản ánh khả năng lợi nhuận mà doanh nghiệp đã đạt được trong các kỳ kế toán đã qua. Vì thế, nhóm này là cách nhìn về quá khứ hoặc đánh giá khả năng lợi nhuận ngắn hạn của doanh nghiệp (Hu & Izumida 2008). Đối với một số chỉ tiêu cùng nhóm như ROS hoặc ROI, các hệ số này cũng không đưa ra một góc nhìn dài hạn cho cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp bởi đó là các thước đo quá khứ và ngắn hạn (Jenkins, Ambrosini & Collier 2011). Trong khi đó, các hệ số Marris và Tobin’s Q có thể cho biết hiệu quả tương lai của doanh nghiệp bởi chúng phản ánh được đánh giá của thị trường cả về tiềm năng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai (phản ánh vào giá thị trường của cổ phiếu). Điều

này hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của các phương pháp định giá cổ phiếu sử dụng dòng tiền tương lai chiết khấu về hiện tại theo một mức rủi ro xác định. Đó cũng là lý do tại sao Tian & Estrin (2008) cho rằng định giá trên thị trường luôn dựa trên những dòng tiền tương lai và rủi ro kỳ vọng đi kèm.

Tóm lại, có thể đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua hai nhóm hệ số kết hợp lại, trong đó 4 chỉ tiêu thiết yếu nhất bao gồm ROA, ROE, Marris và Tobin’s Q. Mặc dù có thể có các cách tính khác nhau, chủ yếu do cách xác định lợi nhuận trong tính toán hệ số, sự kết hợp của hai nhóm hệ số này có thể đưa ra cho nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông và thị trường những đánh giá bao quát về hiệu quả tài chính trong quá khứ cũng như tiềm năng lợi nhuận và tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) ảnh hưởng của hoạt động đầu tư đến hiệu quả của hoạt động của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 26 - 30)