Trên cơ sở lý thuyết nền tảng về nguyên tắc thận trọng trong kế toán, quản trị công ty và tổng quan các nghiên cứu công bố trong nước và nước ngoài về tác động của đặc điểm quản trị công ty đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán, tác giả xác định một số khoảng trống của các nghiên cứu trước đây như sau:
Thứ nhất, Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về các nội dung liên quan đến thận trọng trong kế toán (accounting conservatism), tuy nhiên tại Việt Nam một số tác giả chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu một số khía cạnh của việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trọng kế toán như việc trích lập dự phòng, ghi nhận nợ tiềm tàng… Vì vậy luận án nghiên cứu một cách tổng thể về nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, Thận trọng trong kế toán có thể được đo lường dựa trên nhiều mô hình khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm của mẫu nghiên cứu (như đặc điểm của doanh nghiệp, quốc gia…). Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đo lường về thận trọng kế toán cũng như đo lường việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Do đó luận án căn cứ vào ưu nhược điểm của từng mô hình đo lường, đặc điểm của các CTNY trên thị trường chứng khoán Việt Nam để xác định mô hình phù hợp nhằm đo lường việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán.
Thứ ba, nghiên cứu về tác động của các yếu tố thuộc đặc điểm QTCT đến việc thực hiện ACC mới chỉ được thực hiện tại các nước phát triển ví dụ như Anh, Mỹ, Pháp, Australia, hoặc một số nước đang phát triển nhưng thị trường chứng khoán có thời gian hoạt động lâu dài, ổn định và có môi trường pháp lý hoàn thiện như Malaysia. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về tác động của đặc điểm QTCT đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán trên thế giới còn chưa thống nhất, như tác động của quy mô HĐQT, sự kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT, tác động của cấu trúc sở hữu… Do đó cần bổ sung thêm nghiên cứu thực nghiệm về nội dung này, và đây
là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về tác động của đặc điểm QTCT đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán.
Thứ tư, Xuất phát từ đặc điểm của các công ty cổ phần và đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam, cần bổ sung nghiên cứu về ảnh hưởng của đặc điểm Tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Đặc điểm này mới chỉ có nghiên cứu tại Trung Quốc nhưng chưa tìm thấy ý nghĩa thống kê. Do đó luận án xem xét tác động của đặc điểm sở hữu vốn của Nhà nước đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ năm, Tại Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào bắt buộc về việc thành lập ủy ban kiểm toán trong công ty niêm yết, mà chỉ có quy định về Ban kiểm soát (luật DN 2014, thông tư 121/2012 về Quản trị công ty). Các quy định về BKS gồm: quy định về số lượng thành viên BKS, chuyên môn kế toán của thành viên BKS, sự độc lập của thành viên BKS. Theo kết quả nghiên cứu của tác giả thì hầu hết các CTNY đều tuân thủ quy định về số lượng thành viên BKS ( 3 đến 5 người), tuy nhiên quy định về chuyên môn và tính độc lập của thành viên BKS thì chưa được các DN thực hiện đầy đủ. Do hạn chế dữ liệu thu thập về tính độc lập của thành viên BKS nên luận án tập trung nghiên cứu về đặc điểm thành viên BKS có chuyên môn về kế toán tài chính, xác định sự ảnh hưởng của đặc điểm này đến việc thực hiện ACC.
CHƯƠNG 3:
GIẢ THUYẾT KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Xây dựng giả thuyết khoa học về các yếu tố thuộc đặc điểm quản trị công ty tác động đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Trên cơ sở lý luận và tổng quan các công trình nghiên cứu trước về mối quan hệ giữa QTCT và ACC, dựa trên khoảng trống nghiên cứu mà tác giả đã chỉ ra, luận án tiến hành xây dựng các giả thuyết nghiên cứu với mục đích nhận định sơ bộ các yếu tố thuộc đặc điểm QTCT có tác động đến việc thực hiện ACC trong các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Các yếu tố thuộc đặc điểm QTCT có tác động đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán được tác giả nghiên cứu và xây dựng giả thuyết bao gồm: quy mô HĐQT, sự kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành, thành viên HĐQT có chuyên môn về kế toán tài chính, thành viên HĐQT không điều hành, thành viên Ban kiểm soát có chuyên môn về kế toán tài chính, sở hữu của Ban giám đốc, sở hữu của Nhà nước. Các giả thuyết khoa học được xây dựng cụ thể như sau:
3.1.1. Quy mô Hội đồng quản trị
Theo lý thuyết hành vi quản lý, để hoạt động có hiệu quả thì cần có sự chuyên môn hóa nhằm phát triển tiềm năng của nhân viên, do đó HĐQT quy mô lớn cho phép các thành viên trong HĐQT chuyên môn hoá công việc. Khi số lượng TV HĐQT lớn thì sự chuyên môn hóa sẽ được thể hiện trong việc thành lập các ủy ban trong HĐQT để chuyên nghiệp hơn trong công tác giám sát. Klein (2002a) nhận thấy sự độc lập của ủy ban kiểm toán có liên quan tích cực đến quy mô của hội đồng quản trị. Vì vậy, các HĐQT có quy mô lớn hơn sẽ phân bổ công việc cho từng phần viên của HĐQT, cho phép từng thành viên được chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực hoạt động hoặc từng mảng công việc. Khi các thành viên của HĐQT có sự chuyên môn hóa cao hơn thì có thể dẫn đến hoạt động giám sát sẽ hiệu quả hơn. Nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ quan điểm này gồm có Beekes & cộng sự (2004), Ahmed & Henry (2012), Roslinda Lim (2011) (quy mô HĐQT tác động tích cực đến việc thực hiện ACC.
Các công ty cổ phần niêm yết tại Việt Nam đang còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt số lượng thành viên HĐQT được đào tạo và có kiến thức, kinh nghiệm về pháp luật, tài chính còn ít. Chính vì vậy khi số lượng thành viên HĐQT tăng lên, tác giả kỳ vọng sẽ có sự giám sát tốt hơn về chất lượng BCTC nói chung và hoạt động tài chính kế toán nói riêng. Từ đó giả thuyết H1 được đưa ra như sau:
H1: Quy mô Hội đồng quản trị tác động tích cực đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.
3.1.2. Kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành
Jensen (1993) lập luận rằng tách biệt vị trí giữa chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành sẽ làm tăng tính độc lập của HĐQT trong quản lý và điều hành công ty. Để giảm sự bất đối xứng thông tin giữa người cung cấp (nhà quản lý) và người sử dụng thông tin (nhà đầu tư, đối tượng bên ngoài DN) thì cần có sự tách biệt giữa người điều hành cấp cao (CEO) và người giám sát cấp cao (Chủ tịch HĐQT).
Ngoài ra, theo lý thuyết các bên liên quan, mọi hành động và quyết định của nhà quản lý hay chủ sở hữu đều phải vì lợi ích của tất cả các bên có liên quan chứ không vì lợi ích cá nhân. Do đó cần phải có sự tách biệt giữa hai chức danh cao nhất trong công ty để đảm bảo việc giám sát hành động của mỗi cá nhân, đảm bảo tối ưu hóa lợi ích của các bên liên quan.
Theo Alzoubi.E.S.S (2012), việc kiêm nhiệm hai chức danh cao nhất trong DN này sẽ dẫn đến gia tăng hành vi quản trị lợi nhuận. Còn kết quả nghiên cứu của Bader A.S (2010) cho thấy việc kiêm nhiệm hai chức danh này ảnh hưởng đến chức năng giám sát của HĐQT, đồng thời dẫn đến xu hướng che dấu những thông tin bất lợi của công ty đối với cổ đông. Một số nghiên cứu thực nghiệm khác đã tìm thấy mối quan hệ tiêu cực của việc kiêm nhiệm hai chức danh này với quá trình lập BCTC (Dechow và cộng sự, 1996). Kết quả nghiên cứu tại Australia của Roslinda Lim (2011), tại Malaysia của Mohammed và cộng sự (2016) cho thấy tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa việc kiêm nhiệm và việc thực hiện ACC.
Tại Việt Nam có quy định về việc kiêm nhiệm chức danh tại khoản 3, điều 10 thông tư 121/2012, quy chế QTCT Việt Nam: ‘Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành trừ khi việc kiêm nhiệm này được phê chuẩn hàng năm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên’. Như vậy cơ quan lập pháp đã nhận thức được những tác động tiêu cực của việc kiêm nhiệm hai chức danh cao nhất trong công ty. Vì vậy luận án đề xuất giả thuyết nghiên cứu H2 như sau:
H2: Việc kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành có tác động tiêu cực đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Trong nghiên cứu này, thành viên HĐQT không điều hành được định nghĩa theo khoản 2, điều 2, thông tư 121/TT-BTC ngày 26/7/2012 ‘quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng’ của Bộ Tài chính:
‘Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành là thành viên Hội đồng quản trị không phải là Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được Hội đồng quản trị bổ nhiệm’
Trong công ty cổ phần, HĐQT là người đại diện cho cổ đông (chủ sở hữu công ty) thực hiện giám sát hoạt động của những người quản lý điều hành, ngăn ngừa các mẫu thuẫn và xung đột lợi ích giữa cổ đông và ban lãnh đạo công ty, nhằm bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Như vậy trách nhiệm của HĐQT là giám sát hoạt động của ban điều hành, dựa vào các chiến lược kinh doanh đã được HĐQT đề ra và đại hội đồng cổ đông thông qua để tư vấn, giám sát các quyết định kinh doanh của ban giám đốc. Tuy nhiên trên thực tế HĐQT có thể lấn át quyền điều hành của BGĐ, tham gia sâu vào các quyết định kinh doanh cũng như hoạt động hàng ngày của công ty. Khi đó HĐQT có thể lạm dụng quyền hành của mình để đưa ra các quyết định kinh doanh phục vụ cho lợi ích của bản thân hoặc lợi ích của một nhóm cổ đông mà bỏ qua lợi ích chung của công ty hoặc lợi ích của cổ đông nhỏ, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động cũng như giá trị của DN. Vì vậy vai trò của thành viên HĐQT không điều hành là rất quan trọng.
Theo lý thuyết đại diện, bên đại diện phải độc lập để đảm bảo chức năng giám sát, giúp giảm chi phí đại diện. Theo lý thuyết các bên liên quan thì khi ban giám sát có sự độc lập với quá trình điều hành thì sẽ đảm bảo được tối ưu nhất quyền lợi của các bên có liên quan bên trong và ngoài doanh nghiệp. TV HĐQT càng độc lập thì hiệu quả giám sát càng cao (Nicholson & Kiel, 2007), các thành viên HĐQT độc lập không điều hành có khả năng thực hiện vai trò giám sát hoạt động của ban điều hành với hiệu quả cao vì hoạt động giám sát của họ độc lập với hoạt động điều hành của DN (Dalton & cộng sự, 2007). Các TV HĐQT không điều hành thường là các chuyên gia trong các lĩnh vực, có thể phát huy thế mạnh về trình độ chuyên môn để kiểm soát các hoạt động cũng như tư vấn cho ban điều hành (Fama & Jensen, 1983). Những TV HĐQT không điều hành này với trình độ chuyên môn, tính độc lập với hoạt động điều hành của mình sẽ nâng cao chất lượng giám sát của HĐQT, đồng thời làm giảm xung đột lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý, giúp bảo vệ cổ đông nhỏ và các bên có liên quan khác. Mức độ độc lập của HĐQT và mức độ tin tưởng của cổ đông bên ngoài đối với tính độc lập của HĐQT phụ thuộc vào tỷ lệ TV HĐQT không điều hành trong HĐQT. Chính vì vậy khoản 2, điều 11, thông tư 121/2012/TT-BTC đã quy định về tỷ lệ TV HĐQT không điều hành như
sau: ‘Cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên kiêm điều hành và các thành viên không điều hành, trong đó tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.’
Nghiên cứu thực nghiệm của Akbar & cộng sự (2013) tại Iran giai đoạn 2001 – 2012, Nasr M.A & Ntim C.G (2017) tại Ai Cập giai đoạn 2011 – 2013 đã tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa tỷ lệ % TV HĐQT không điều hành và mức độ thực hiện ACC.
Từ lý thuyết và kết quả nghiên cứu thực nghiệm, giả thuyết nghiên cứu H3 được đề xuất:
H3: Tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành trong tổng số thành viên HĐQT có tác động tích cực đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.
3.1.4. Thành viên Hội đồng quản trị có chuyên môn về kế toán tài chính
Thành viên HĐQT có chuyên môn về kế toán tài chính là người có văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn thuộc nhóm ngành kinh tế (kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kinh tế) hoặc đã làm việc liên quan đến tài chính và kế toán.
Theo lý thuyết đại diện, người được ủy quyền phải có kiến thức chuyên môn để điều hành và giám sát hoạt động của công ty, giúp gia tăng lợi ích cho bên ủy nhiệm. Theo nghiên cứu của Yan Zhang và cộng sự (2006), doanh nghiệp có HĐQT mà các thành viên ít có kinh nghiệm về kế toán tài chính thường tồn tại hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém, từ đó thiếu sự giám sát củ hệ thống kiểm soát nội bộ đối với quá trình hạch toán kế toán của doanh nghiệp cũng như quá trình lập BCTC, dẫn đến trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ chuẩn mực kế toán hoặc pháp luật kế toán. Trong một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành viên HĐQT có chuyên môn tài chính và chất lượng BCTC cũng cho thấy nếu có chuyên gia tài chính trong HĐQT thì chất lượng BCTC sẽ tăng lên (Andrew J.Felo và cộng sự, 2003; McMullen và Raghunandan, 1996).
Tại Việt Nam, quy chế QTCT cũng quy định về trình độ của thành viên HĐQT. Theo khoản 1, điều 11, thông tư 121/2012: ‘Số lượng thành viên Hội đồng quản trị ít nhất là ba (03) người và nhiều nhất là mười một (11) người. Cơ cấu Hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính và lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty’.
Trong các nghiên cứu về mối quan hệ giữa QTCT và thận trọng kế toán trước đây chưa có nghiên cứu nào đưa yếu tố này vào mô hình nghiên cứu để xem xét sự tác động. Tuy nhiên những nghiên cứu về QTCT và chất lượng BCTC đều cho thấy khi thành viên HĐQT độc lập có kiến thức hoặc kinh nghiệm về kế toán tài chính thì chất lượng BCTC sẽ được tăng lên. Do đó giả thuyết nghiên cứu được đề xuất:
H4: Số lượng thành viên Hội đồng quản trị có chuyên môn về kế toán tài chính có tác động tích cực đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.
3.1.5. Thành viên Ban kiểm soát có chuyên môn về kế toán tài chính
Mô hình quản trị công ty tại các quốc gia khác nhau sẽ quy định vai trò của Ban kiểm soát và Ủy ban kiểm toán là khác nhau. Tại các công ty cổ phần ở Việt Nam, BKS là chủ thể bắt buộc do đại hội đồng cổ đông bầu ra, còn UBKT là chủ thể tự nguyện và là một tiểu ban thuộc HĐQT. Theo INTOSAI 9100 thì UBKT là một ủy ban trực thuộc HĐQT mà vai trò chính là hướng đến các khía cạnh của BCTC…, giúp