Các nghiên cứu tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Austalia hay Malaysia… các tác giả quan tâm chủ yếu đến hai khía cạnh trong cấu trúc sở hữu là tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý (ban giám đốc) và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó một số nghiên cứu tại Trung Quốc lại xem xét cấu trúc sở hữu trên góc độ tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Ngân hàng thế giới khi đánh giá thẻ điểm QTCT tại Việt Nam thì lựa chọn và đánh giá về cấu trúc sở hữu trên khía cạnh sở hữu Nhà nước và sở hữu nước ngoài (Worldbank, 2011).
Theo Jensen (1993) nhà quản lý sẽ có động lực mạnh mẽ để điều hành hoạt động của công ty khi họ nắm giữ cổ phần đáng kể trong DN (hiệu ứng liên kết). Theo đó khi tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà quản lý (ban giám đốc) càng cao thì họ có xu hướng đưa
ra các quyết định kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi ích của chủ sở hữu – trong đó có lợi ích của chính Ban giám đốc. Tuy nhiên Jensen (1993) cũng cho rằng nếu tỷ lệ sở hữu của Ban giám đốc (BGĐ) quá cao thì sẽ dẫn đến hiện tượng tập trung quyền lực của BGĐ (hiệu ứng entrenchment), khi đó BGĐ sẽ đủ quyền lực để theo đuổi mục tiêu riêng của mình nhằm tối đa hóa lợi ích cá nhân mà không phải là lợi ích của cổ đông hay công ty, do đó làm giảm hiệu quả kinh doanh cũng như giảm chất lượng thông tin BCTC.
Beekes và cộng sự (2004) không tìm thấy bằng chứng về tác động tiêu cực giữa tỷ lệ sở hữu của BGĐ với việc thực hiện ACC trong các công ty tại Anh giai đoạn 1993 – 1995. Tuy nhiên các nghiên cứu khác lại tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ sở hữu của BGĐ và việc thực hiện ACC. LaFond & Roychowdhury (2008) lập luận rằng khi ACC là một công cụ để giải quyết vấn đề chi phí đại diện, nếu lợi ích của cổ đông và nhà quản lý ít có sự liên kết thì sẽ yêu cầu thực hiện ACC nhiều hơn, do đó các DN có tỷ lệ sở hữu của BGĐ cao thì có nhiều khả năng áp dụng ACC ít hơn. Xia & Zhu (2009) nghiên cứu tại Trung Quốc, Jarboui (2013) nghiên cứu tại Pháp, Mohammed và cộng sự (2016) nghiên cứu tại Malaysia đều tìm thấy tác động tiêu cực giữa tỷ lệ sở hữu của BGĐ đến việc thực hiện ACC.