Biến ‘Sở hữu của Nhà nước’ (OWN_GOV) là biến giả. được gán giá trị 1 nếu công ty có tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước trên 50% và gán giá trị 0 nếu ngược lại. Biến OWN_GOV tương quan với biến phụ thuộc CONS với hệ số = -2,826 < 0 và p-value = 0,001 cho thấy tại các CTNY có tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước trên 50% có mức độ thực hiện ACC thấp hơn so với những công ty có tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước dưới 50%. Do đó giả thuyết H6 được chấp nhận.
Trong các nghiên cứu trước của Cullinan & cộng sự (2012) tại Trung Quốc và Mohammed & cộng sự (2016) tại Malaysia đã xem xét tác động của tỷ lệ sở hữu Nhà nước đến việc thực hiện ACC nhưng đều không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của luận án phát hiện ra mối quan hệ tiêu cực giữa tỷ lệ sở hữu Nhà nước và việc thực hiện ACC là phù hợp với các giả thuyết của hai nghiên cứu trên cũng như giả thuyết nghiên cứu mà luận án đã đề ra. Kết quả này có thể xuất phát từ đặc trưng của các CTNY trên TTCK Việt Nam.
Phần lớn các công ty cổ phần của Việt Nam hiện nay được cổ phần hóa từ các DNNN do đó rất nhiều CTNY có tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước. Thực hiện kiểm tra dữ liệu tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước trong mẫu nghiên cứu, tác giả tìm thấy 1.126 quan sát tương ứng với 53,31% quan sát có Nhà nước là cổ đông lớn của công ty (tỷ lệ sở hữu vốn trên 5%). Khi Nhà nước nắm giữ cổ phần, đặc biệt là nắm giữ cổ phần chi phối thì sẽ cử người đại diện vào công ty để theo dõi, giám sát các hoạt động của công ty để thường xuyên báo cáo cho Nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước. Tuy nhiên nếu người đại diện cho phần vốn của Nhà nước lợi dụng quyền hạn, chức vụ, mối quan hệ chính trị của mình để hành động vì lợi ích cá nhân thì có thể sử dụng ACC như một công cụ để thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Nguyễn Hà Linh (2017) nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các CTNY có mối quan hệ tỷ lệ thuận có ý nghĩa thống kê với hành vi điều chỉnh lợi nhuận.
Tổng kết lại, kết quả nghiên cứu thực nghiệm 528 CTNY phi tài chính trên TTCK Việt Nam cho thấy các đặc điểm QTCT có ảnh hưởng đến việc thực hiện ACC. Trong đó có 2 yếu tố thuộc đặc điểm HĐQT (Sự kiêm nhiệm chức danh và TV HĐQT có chuyên môn kế toán tài chính ) và yếu tố chuyên môn của BKS có tác động tích cực đến việc thực hiện ACC, 2 yếu tố thuộc cấu trúc sở hữu có tác động tiêu cực đến việc thực hiện ACC là Sở hữu của BGĐ và Sở hữu của Nhà nước, trong khi 2 yếu tố khác thuộc
đặc điểm HĐQT không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê là quy mô HĐQT và TV HĐQT không điều hành.
Qua phân tích thực trạng các đặc điểm QTCT của các CTNY trên TTCK Việt Nam thì cho thấy có nhiều nội dung QTCT chưa đạt yêu cầu theo quy định. Quy mô HĐQT mặc dù đạt ở mức tối ưu tuy nhiên chưa có báo cáo về trách nhiệm và kết quả làm việc của từng thành viên HĐQT. Đặc biệt tỷ lệ TVHĐQT không điều hành chưa đạt theo quy định (tối thiểu 1/3 TV HĐQT phải là TV HĐQT không điều hành – NĐ 71/2017) như công ty ANV, CT6, SDD… không có thành viên HĐQT không điều hành nào, trong khi công ty VCF có số lượng thành viên này rất lớn (6 – 10 thành viên). Bên cạnh đó tỷ lệ cũng như số lượng TV BKS có chuyên môn về kế toán tài chính cũng chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều công ty có BKS không có chuyên môn về kế toán tài chính như ABT, ANV, BBC…(978 quan sát không có thành viên BKS có chuyên môn kế toán tài chính), chưa có báo cáo kết quả hoạt động của BKS trong các báo cáo thường niên.