Lý thuyết đại diện (Agency Theory)

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của đặc điểm quản trị công ty đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 60 - 61)

2.4.2.1. Nội dung lý thuyết

Lý thuyết đại diện là một trong những lý thuyết nền tảng quan trọng, liên quan đến các vấn đề của quản trị công ty, đặc biệt là trách nhiệm của các bên. Lý thuyết đại diện được phát triển bởi Jensen và Meckling trong một công bố năm 1976. Lý thuyết này nghiên cứu về mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Jensen và Meckling (1976) xác định mối quan hệ ủy nhiệm giữa các bên như một hợp đồng được ký kết kết giữa bên ủy nhiệm (người hưởng lợi) và bên đại diện (người được thuê hoặc được ủy quyền) trong đó bên ủy nhiệm sẽ bổ nhiệm, chỉ định người khác - người quản lý công ty (người đại diện - agents), để thực hiện việc quản lý công ty cho họ mà trong đó bao gồm cả việc trao thẩm quyền để ra quyết định định đoạt tài sản của công ty.

Khi chủ sở hữu thuê bên đại diện quản lý công ty, vấn đề xung đột lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý sẽ nảy sinh. Nguyên nhân là vì người đại diện trực tiếp điều hành công ty thường có kiến thức chuyên môn hơn cổ đông, họ được quyền quản lý và thực hiện các hoạt động kinh doanh hàng ngày, vì vậy họ có thể đưa ra các quyết định hay hành động để tối đa hóa lợi ích của bản thân thay vì mang lại lợi ích của công ty và có xu hướng quên đi lợi ích của cổ đông khi họ có thể đạt được mức lợi nhuận nào đó (Jensen và Meckling, 1976). Xung đột lợi ích này bộc lộ rõ nhất ở các công ty lớn (Gayle và Miller, 2009). Trong nghiên cứu của Tuggle và cộng sự, 2010, sau khi phân tích những biên bản cuộc họp của HĐQT đã nhận thấy HĐQT đã không giám sát Ban giám đốc điều hành một cách thích đáng để bảo vệ lợi ích cho cổ đông. Bên cạnh đó, quyết định của nhà quản lý bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ nắm giữ cổ phần mà họ nắm giữ trong công ty. Jensen và Meckling (1976) cho rằng khi nhà quản lý sở hữu toàn bộ công ty thì họ sẽ đưa ra các quyết định nhằm tối đa hóa lợi ích của mình – cũng chính là lợi ích của công ty. Tuy nhiên khi phần vốn của họ chiếm tỷ trọng nhỏ thì lợi ích của họ có được trong kết quả hoạt động của công ty sẽ bị giảm, do đó họ có xu hướng muốn nhận được khoản thù lao (tiền lương) lớn hơn từ chủ sở hữu công ty.

Để tối thiểu hóa những xung đột lợi ích này, lý thuyết ủy nhiệm đưa ra chi phí đại điện mà chủ sở hữu phải chịu do sự ủy quyền của mình, gồm: chi phí giám sát, chi phí ràng buộc và tổn thất phụ trội (Jensen và Meckling, 1976). Chi phí giám sát là khoản chi phí cần thiết chi trả cho việc chủ sở hữu giám sát những hành vi của nhà quản lý, nhằm đảm bảo nhà quản lý không thực hiện những hành động gây bất lợi cho công ty. Chi phí ràng buộc là khoản chi phí mà nhà quản lý phải chịu nhằm đảm bảo với chủ sở

hữu sẽ hạn chế những hành động gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Tổn thất phụ trội và khoản tổn thất xuất hiện khi giảm phúc lợi của nhà quản lý do có sự bất đồng về lợi ích giữa nhà quản lý và cổ đông. Lý thuyết đại diện đề xuất số lượng thành viên HĐQT càng độc lập thì hiệu quả giám sát càng cao (Nicholson và Kiel, 2007), khi đó, công ty sẽ giảm bớt chi phí đại diện và lợi ích của cổ đông công ty sẽ cao hơn. Lý thuyết đại diện cũng cho rằng việc lập và trình bày BCTC có hai mục đích khác nhau: đối với cổ đông, đó là cách thức giám sát sự hiệu quả của nhà quản lý trong khi đó đối với nhà quản lý, đó là cách thức nhà quản lý thuyết phục cổ đông rằng họ hành động một cách tốt nhất (Watson và cộng sự, 2002). Vì vậy, cần thiết lập hệ thống giám sát thích hợp đối với ban điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và đảm bảo nhà quản lý cung cấp BCTC có chất lượng

2.4.2.2. Vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu

Vấn đề chính mà lý thuyết đại diện nêu ra là làm thế nào để người đại diện (nhà quản lý) hành động vì lợi ích cao nhất cho người ủy nhiệm (cổ đông) khi họ có giữa hai đối tượng này có sự bất đối xứng về thông tin và sự khác nhau về lợi ích. Trong công ty cổ phần, ban giám đốc công ty thường là những người do chủ sở hữu công ty thuê hoặc họ là những cổ đông có tỷ lệ nắm giữ cổ phần ít. Vì vậy những nhà quản lý này thường có xu hướng thực hiện các hành động mang lại lợi ích cho bản thân hơn là lợi ích cho công ty. Đồng thời, họ cũng chính là người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về DN (thông qua BCTC) cho những người có lợi ích (cổ đông, chủ nợ). Khi đó, vì lợi ích cá nhân, nhà quản lý có thể cung cấp thông tin quá khả quan về tình hình hoạt động hoặc báo cáo gia tăng giá trị tài sản của DN hoặc ngược lại. Như vậy, thông qua lý thuyết đại diện, xung đột lợi ích giữa người ủy nhiệm và người đại diện có thể được hạn chế bằng cách yêu cầu nhà quản lý thận trọng trong việc cung cấp thông tin về tình hình doanh thu và giá trị tài sản của DN. Hay nói cách khác nhà quản lý cần yêu cầu kế toán thực hiện nguyên tắc thận trọng một cách phù hợp khi ghi nhận tình hình hoạt động của DN nhằm cung cấp thông tin trung thực, khách quan và hữu ích. Để thực hiện được điều này, một vấn đề được đặt ra là QTCT cần xây dựng cơ chế giám sát hành vi của nhà quản lý trong quá trình ghi nhận doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn. Phạm vi của nghiên cứu này là xem xét vai trò của các yếu tố thuộc đặc điểm QTCT như HĐQT, BKS, KTNB trong việc giám sát việc thực hiện ACC tại các công ty.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của đặc điểm quản trị công ty đến việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)