Phương pháp tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, thành phố quảng ngãi, tỉnh quảng ngãi (Trang 39 - 41)

Để tạo động lực làm việc cho công chức, theo tác giả có thể thông qua các phương pháp như:

Thông qua hệ thống đòn bẩy kích thích vật chất. Đó là phương pháp sử dụng các yếu tố tiền lương, thưởng, các khoản phúc lợi và các chế độ đãi ngộ khác như một công cụ đáp ứng nhu cầu về vật chất cho công chức. Thực tế cho thấy, lợi ích kinh tế vẫn là động lực quan trọng nhất đối với việc kích thích tính tích cực lao động của cán bộ, công chức hiện nay. Khi cuộc sống của công chức ổn định thì họ mới toàn tâm, toàn ý làm việc tận tuỵ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và có hiệu quả. Thu nhập cá nhân cho công chức là vấn đề nhạy cảm có tác động làm lay động tâm tư, tình cảm, tư tưởng của họ.

Khích lệ tinh thần: đây là hình thức để công nhận sự đóng góp của CC. Công chức thường cảm thấy chán nản nếu mọi nỗ lực làm việc của họ không được lãnh đạo và đồng nghiệp chú ý và đánh giá đúng mức. Ngược lại, khi được đánh giá đúng mức và được trân trọng vì những gì đã đóng góp, CC sẽ cống hiến không ngừng. Thể hiện niềm tin của lãnh đạo sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của CC.

Khi làm việc tốt, những đóng góp của CC cần được tổ chức và cấp trên công nhận bằng nhiều hình thức khác nhau như: khen thưởng, giao công việc thử thách hơn hoặc giao quyền nhiều hơn. Khen thưởng và công nhận thành tích của người làm việc xuất sắc không chỉ mang tính chất động viên, đánh giá cá nhân về vật chất và tinh thần, mà còn khuyến khích các cá nhân khác cố gắng noi theo tấm gương của những cá nhân thành công để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, để thực hiện tốt biện pháp này, cần xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá phản ánh được sự gia tăng hiệu quả hoạt động. Đó cũng là cơ sở để đảm bảo công bằng giữa các cá nhân trong tổ chức, tránh tâm lý chán nản, mất động lực làm việc của cá nhân làm việc tốt và tâm lý ỷ lại của các cá nhân có hiệu quả làm việc thấp.

Thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ. Đây là giải pháp then chốt để nâng cao tính tích cực lao động của công chức hiện nay. Cần thực hiện công bằng, khách quan, minh bạch, dân chủ trong các khâu từ tuyển chọn, phân công, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm. Phân công, bố trí công việc nhằm đảm bảo đúng năng lực, sở trường và nhằm phát huy tiềm năng riêng của mỗi người. Việc bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, dân chủ và nhất thiết phải dựa trên các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, đạo đức và uy tín. Bên cạnh đó cần mạnh dạn thực hiện trao quyền cho công chức để họ có thêm quyền hạn, có thể tự quyết một số vấn đề trong quá trình thực hiện công việc của mình. Đây cũng là phương pháp để công chức được thể hiện năng lực, sở trường của mình và tìm kiến cơ hội để được thăng tiến lên vị trí lãnh đạo.

Thông qua cải thiện môi trường làm việc. Môi trường làm việc bao gồm các điều kiện vật chất kỹ thuật và những người lao động xung quanh môi trường đó. Chỉ khi CC có chuyên môn và có những điều kiện vật chất thì họ mới có đủ khả năng thực hiện tốt công việc được giao. Đó có thể là các công cụ vật chất, các thiết bị văn phòng, các kỹ năng phục vụ cho công việc…

Ngoài các điều kiện vật chất để giúp thực hiện tốt công việc, người làm việc trong tổ chức luôn muốn có được mối quan hệ tốt với mọi người trong cùng một tổ chức. Do đó, việc xây dựng bầu không khí tâm lý thuận lợi, mối quan hệ hài hòa thân thiện trong tổ chức là điều cần thiết. Bầu không khí tâm lý thuận lợi là biểu hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong tập thể. Đó là mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau, thông cảm, trao đổi tâm tư, nguyện vọng giúp đỡ nhau. Bầu không khí tâm lý thuận lợi tác động đến động lực của công chức ở chỗ nó tác động đến tinh thần của CC, tác động đến động cơ làm việc của CC và sự gắn bó của họ đối với cơ quan, đơn vị.

Xây dựng phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo, quản lý: Trong tổ chức có người lãnh đạo, quản lý dành thời gian để lắng nghe CC; thân mật, gần gũi với mọi người; biết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ chức; biết yêu cầu các thành viên trong tổ chức tuân thủ những nguyên tắc và các quy định chuẩn mực… thì sẽ góp phần tạo động lực làm việc cho CC.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, thành phố quảng ngãi, tỉnh quảng ngãi (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)