Thực tế đã chứng minh, thể chế chính trị nào đề cao giá trị con người, đồng thời coi con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội thì trong thể chế đó cá nhân được bảo đảm quyền tự do của mình. Nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân chính là việc tạo ra một môi trường chính trị thuận lợi để quyền phát triển trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống chính trị - hệ thống các thiết chế bảo vệ quyền: đảng phái chính trị, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Trong khi đó mỗi cá nhân là thành viên của một chế độ chính trị - xã hội nhất định, không thể đứng ngoài các mối quan hệ giai cấp, cộng đồng, dân tộc, quốc gia.
Quyền khiếu nại của công dân nằm trong nhóm quyền chính trị, do đó để công dân thực hiện được quyền khiếu nại cần có sự bảo đảm về chính trị. Đó là việc bảo đảm tính dân chủ trong đời sống xã hội với một hệ thống chính trị vận hành đồng bộ, nhà nước quản lý có hiệu quả, có sự tham gia mạnh mẽ của xã hội, hướng đến mục tiêu vì con người. Đồng thời, bảo đảm chính trị đối với việc thực hiện quyền khiếu nại của công dân còn là bảo đảm ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều này đã
được Hiến định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" [Điều 4 Hiến pháp- đánh số]. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Nhà nước là hạt nhân của hệ thống chính trị, quản lý xã hội bằng pháp luật trên cơ sở thể chế hòa chủ trương, đường lối của Đảng. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: "các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch cửa quyền, tham nhũng". Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân; thông qua các tổ chức đoàn thể này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ. Như vậy, trong hoạt động đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân thì các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Ngày nay, với sự phát triển toàn diện của nền dân chủ, sự tham gia đông đảo của công dân vào việc quản lý hành chính Nhà nước; hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội và công dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước cũng là điều kiện bảo đảm về mặt chính trị cho việc thực hiện các quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là bảo đảm tốt nhất về chính trị trong việc thực hiện quyền nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền khiếu nại.
Bảo đảm chính trị là tiền đề, cơ sở nền tảng quan trọng đối với quyền KNHC. Hệ thống chính trị (các đảng phái, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội) sẽ tác động đến quyền KNHC theo hai hướng: tích cực và tiêu cực. Trước hết quan điểm của đảng chính trị sẽ có vai trò định hướng, xác lập quan điểm đối quyền KNHC. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán quan điểm đề cao, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện để công dân phát huy quyền làm chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp và gián tiếp; Đảng cũng yêu cầu các
cơ quan nhà nước, CB,CC tạo cơ chế, điều kiện để công dân phát huy quyền của người chủ đất nước, hiện thực hoá quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Quan điểm của Đảng được thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật, chuyển từ quan điểm chính trị của Đảng thành pháp luật của Nhà nước và được tổ chức thực thi trên thực tế.
Quyền KNHC chỉ có thể thực hiện, thực hiện có hiệu quả nếu đặt trong môi trường dân chủ, đặt trong xã hội có văn hoá chính trị phát triển. Nhận thức, quan điểm, cách hành xử của giới cầm quyền đối với quyền con người, quyền công dân và quyền KNHC sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng công dân có thể tiếp cận thông tin trong quản lý hành chính, khả năng kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong một xã hội công khai, minh bạch, CB,CC là “công bộc” của dân, chính quyền là “đầy tớ” của Nhân dân, chính quyền dám nhận sai và sửa sai sẽ là vùng đất để dân chủ phát triển, quyền KNHC phát huy hết ưu điểm của nó.
Có thể nói, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta chính là một dạng bảo đảm trực tiếp về chính trị cho việc thực hiện quyền khiếu nại của công dân.