Nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tp HCM (Trang 74 - 79)

Hình 3.1 : Ứng dụng GIS trong quản lý cây xanh đô thị

7. Kết cấu của luận văn

2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế

Những hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Nguyên nhân khách quan:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thống nhất

Hiện nay việc ban hành văn bản cụ thể hóa của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa được tiến hành kịp thời. Ngoài ra nhiều nội dung quản lý nhà nước về cây xanh đô thị chưa có hướng dẫn chi tiết, điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị. Đến nay văn bản pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn là Quyết định số 199/2004/QĐ-UBND ngày 18/8/2004. Tuy nhiên đến nay, Quyết định này đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với điều kiện mới[18],[19]. Do đó gây ra khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quan trình quản lý. Ngoài ra hiện nay thẩm quyền tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị đã giao cho Sở Giao thông vận tải nhưng vẫn sử dụng các văn bản của Sở Giao thông công chánh cũ và Sở Xây dựng. Điều này gây ra sự lúng túng nhất định trong công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh chưa có tiêu chí về xử lý cây xanh nằm trong các dự án giao thông, chưa xác định tuổi thọ cho cây, chưa có danh sách những cây cần được bảo tồn và thay thế… khiến việc quản lý cây xanh đô thị còn yếu kém, không minh bạch và gây rủi ro cho người đi đường.

Thứ hai, sự tham gia của các chủ thể xã hội vào phát triển và quản lý cây xanhđô thị chưa nhiều

Ủy ban nhân dân Thành phố chưa thực sự chú trọng đến việc xã hội hóa trong quá trình quản lý cây xanh đô thị. Điều này đã làm hạn chế sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào quá trình quản lý cây xanh đô thị. Hiện nay nguồn lực chủ yếu vẫn là từ Ngân sách nhà nước. Mức huy động đóng góp của cá nhân, tổ chức đóng trên địa bàn Thành phố là hạn chế rất nhiều. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị, chưa hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư.

Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật để nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển cây xanh đô thị chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu. Nhận thức về vai trò quan trọng của cây xanh để từ đó có ý thức bảo vệ và phát triển cây xanh của một bộ phận dân cư còn hạn chế.

Việc quản lý, chăm sóc, duy trì cây xanh công cộng là hoạt động dịch vụ công ích chủ yếu do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên Cây xanh thực hiện, chưa có sự tham gia của người dân nên vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

- Nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất, nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức về quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị còn những hạn chế nhất định

Hiện nay nhận thức của một số cơ quan nhà nước, cán bộ công chức về quản lý nhà nước về cây xanh đô thị còn những hạn chế nhất định. Nhiều nơi chưa thấy được tầm quan trọng của việc phát triển cây xanh đô thị cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về lợi ích của cây xanh đã có nhiều chuyển biến nhưng sự quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển chưa tương xứng. Các ngành và nhiều đơn vị, tổ chức chưa quan tâm đúng mực đến đầu tư và quản lý công viên cây xanh theo đúng quy hoạch.

Việc định hướng cho đầu tư phát triển công viên, mảng xanh, hầu hết chưa được lãnh đạo, chính quyền địa phương thực sự quan tâm đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển ngắn hạn (hằng năm) và dài hạn (5 năm). Kể cả các diện tích đất đã được quy hoạch làm công viên có quy mô tập trung tại khu vực nội thành cũng không được đề cập trong đầu tư phát triển. Có trường hợp quận Tân Phú lại đề ra chỉ tiêu phát triển mảng xanh rất thấp (năm 2015 đạt 0,7 m2/người và dự kiến 5 năm tới phát triển 4.000m2) so với Quy hoạch chung về tỷ lệ mảng xanh mà Thủ tướng đã phê duyệt đối với quận phát triển mới[20].

Thứ hai, Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị chưa chặt chẽ

Tổ chức bộ máy nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về cây xanh còn những hạn chế nhất định. Hiện nay việc phân định thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch kiến trúc còn chưa rõ ràng liên quan đến công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị. Bộ máy tổ chức quản lý còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý chưa cao. Việc thẩm quyền quản lý cây xanh đô thị là do Sở Giao thông vận tải nhưng liên quan đến quy hoạch đô thị có Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc. Vì vậy một số vấn đề quy hoạch chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau nên còn dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quy hoạch cây xanh đô thị.

Ngoài ra hiện nay việc quy định về cơ chế phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện trong quá trình kiểm tra xử phạt các vi phạm về cây xanh đô thị chưa chặt chẽ. Thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc về Sở Xây dựng, trong khi Sở Giao thông vận tải lại trực tiếp quản lý. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho Sở Giao thông vận tải trong quá trình quản lý.

Hiện nay chưa thực sự có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; chưa có sự thống nhất đầu mối trong công tác quản lý nhà nước và phát triển cây xanh đô thị. Công tác phối hợp bảo vệ, xử lý vi phạm về bảo vệ cây xanh công cộng giữa các đơn vị (Điện lực, Bưu điện, cấp nước, thoát nước, thanh tra chuyên ngành, chính quyền địa phương…) còn nhiều bất cập.

Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị cũng hạn chế về số lượng và chất lượng. Với địa bàn rộng lớn như vậy nhưng với lực lượng nhân sự như vậy là chưa đủ. Ngoài ra hiện nay việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố chưa được tiến hành thường xuyên.

Thứ ba, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị các thiết bị chuyên ngành và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cây xanh đô thị chưa được chú trọng

Để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị thì cần tăng cường xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho quản lý cây xanh đô thị. Tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng còn những hạn chế nhất định. Việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với hệ thống cây xanh, làm không gian sống của hệ rễ cây xanh bị thu hẹp; rễ cây bị xâm hại khi triển khai thi công công trình đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, về lâu dài làm cây xanh dễ ngã đổ hơn khi có mưa to gió lớn. Kinh phí được giao chăm sóc bảo quản công viên, cây xanh thiếu so với yêu cầu thực tế nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng của công viên, cây xanh.

Do kinh phí hạn hẹp nên việc trang bị các thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành như máy đo độ tuổi cây xanh, mày siêu âm cây xanh… để hỗ trợ công tác nghiên cứu, kiểm tra phát hiện các khuyết tật, phát hiện tình trạng cây xanh bị xâm hại… còn hạn chế.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị đã được thực hiện, tuy nhiên mức độ chưa cao và chưa đồng bộ. Việc quản lý cây xanh bằng các phần mềm ứng dụng chỉ mới thực hiện thí điểm ở một số tuyến đường một số công viên do đó mức độ hiệu quả là chưa cao. Việc thu thập dữ liệu, quản lý cây xanh vẫn tiến hành bằng con đường thủ công nên tốn nhiều thời gian, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị.

Tiểu kết chương 2

Dựa trên cơ sở lý luận đã hệ thống hóa trong chương 1, chương 2 của luận văn đã tiếp cận thực trạng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương 2, luận văn đã khái quát thực trạng cây xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và phân tích thực trạng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị. Bên cạnh đó chương 2 của luận văn cũng đã đánh giá những thành tựu và hạn chế của quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu của chương 2 là cơ sở thực tiễn cùng với cơ sở lý luận ở chương 1 để luận văn đề xuất các giải pháp và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 3

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÂY XANH ĐÔ THỊ

TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.1. Một số định hướng của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện quản lý nhà nước về cây xanh đô thị

Việc xây dựng các giải pháp về quản lý nhà nước đối với cây xanh đô thị phải xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng như định hướng của Thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng đô thị và phát triển cây xanh đô thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tp HCM (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)