1.2.1. Khái niệm quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngoài
Qua quá trình tìm hiểu các tài liệu, các công trình nghiên cứu dựa trên khái niệm QLNN về kinh tế nói chung có thể đưa ra khái niệm QLNN về thu hút FDI như sau:
QLNN về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: là một hoạt động QLNN về kinh tế. Đó là hoạt động mang tính tổ chức quyền lực của các cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền nhằm tác động lên các hoạt động thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn lãnh thổ của một quốc gia và định hướng nó phát triển theo các mục tiều mà nhà nước đã đề ra.
1.2.1.1. Chủ thể quản lý
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoạt động trong lĩnh vực đầu tư: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có trách nhiệm phê chuẩn và ban hành hệ thống luật pháp có liên quan đến đầu tư, quyết định đường lối, chiến lược và các chủ trương về thu hút FDI, tạo hành lang thông thoáng trong nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà ĐTNN.
Chính phủ thống nhất quản lý về FDI nói chung và thu hút FDI nói riêng trong phạm vi cả nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về FDI nói chung và thu hút FDI nói riêng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ:
- Trình Chính phủ các dự luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm có liên quan đến đầu tư.
- Xác định phương hướng và cơ cấu vốn đầu tư để đảm bảo sự cân đối giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.
- Cấp giấy phép đầu tư và hướng dẫn với các dự án có vốn FDI.
- QLNN về việc lập, kiểm tra, xét duyệt các dự án quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện QLNN về FDI đối với lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong đó:
Bộ Xây dựng có chức năng, nhiệm vụ:
- Thực hiện chức năng QLNN về xây dựng, nghiên cứu các cơ chế, chính sách về quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn. Ban hành các tiêu chuẩn quy phạm, quy chuẩn xây dựng.
- Theo dõi, kiểm tra chất lượng các công trình. Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ:
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách QLNN về tiền tệ, tín dụng ngân hàng trong đầu tư và xây dựng.
- Giám sát các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính thực hiện các nhiệm vụ, huy động vốn, cho vay vốn, bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp động, bảo lãnh dự thầu.
Các Bộ có liên quan:
- Các Bộ quản lý ngành về đất đai, tài nguyên, công nghệ, môi trường, thương mại, bảo tồn bảo tàng di tích di sản văn hoá, quốc phòng, an ninh, phòng cháy chữa cháy… Có trách nhiệm xem xét và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề có liên quan đến dự án.
Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện QLNN về thu hút FDI theo địa bàn và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện QLNN về thu hút FDI trên địa bàn.
Đối với vấn đề quản lý dòng vốn ra vào, dự thảo quy chế quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện việc giám sát, quản lý việc mở tài khoản, chuyển tiền vào Việt Nam, chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động FDI.
1.2.1.2. Đối tượng quản lý
Các hoạt động liên quan đến thu hút FDI, để đảm bảo đầu tư theo đúng mục đích của Chính phủ đề ra, hoạt động FDI nói chung cũng như hoạt động thu hút FDI nói riêng phải được thực hiện theo đung pháp luật để có những kết quả tốt nhất.
1.2.1.3. Công cụ và phương pháp quản lý
Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý đối với thu hút FDI thông qua việc ban hành những chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực thu hút FDI. Bên cạnh đó, để hoạt động quản lý có hiệu quả và diễn ra theo đúng định hướng mà nhà nước đã đề ra còn phải cần sử dụng đến những phương pháp quản lý như: phương pháp cưỡng chế; phương pháp giáo dục, thuyết phục; phương pháp kinh tế; phương pháp hành chính.