Nhu cầu bảo tồn, khai thác các giá trị di sản văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về di sản văn hóa việt nam hiện nay (Trang 29 - 32)

Di sản văn hóa không chỉ có giá trị tinh thần lớn lao, mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, với tư cách là nguồn nhân lực quan trọng, tạo nên sức mạnh đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Di sản văn hóa có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trước hết được biểu hiện ở chỗ, di sản văn hóa góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, có văn hóa. Di sản văn hóa góp phần giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng phương thức cung cấp cho xã hội những thông tin nguyên gốc về tri thức, hiểu biết và kinh nghiệm lịch sử để chúng ta hiểu đúng quá khứ, nhận thức đúng hiện tại, định hướng đúng tương lai. Sau nữa, di sản văn hóa được tu bổ, tôn tạo theo đúng chuẩn mực khoa học sẽ trở thành tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, cung cấp loại hình dịch vụ văn hóa có sức hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch - văn hóa, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16 tháng 1 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 08-NQ/TW cũng khẳng định mục tiêu “Phát

triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết

tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Có thể thấy, Di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách khốc liệt của cơ chế kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra là, cần xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển. Đó là những mối quan hệ giữa: kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, quốc gia và quốc tế… Con đường đi tới là phải làm sao để “hiện đại hóa được yếu tố truyền thống” và “truyền thống hóa được yếu tố hiện đại”. “Hiện đại hóa được yếu tố truyền thống” được hiểu là tạo cơ chế chính sách phù hợp để yếu tố truyền thống tìm được chỗ đứng, có sức sống trong đời sống xã hội đương đại và cả trong tương lai, đồng thời có khả năng thỏa mãn, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu do xã hội đặt ra. Yếu tố truyền thống phải thực sự là nhịp cầu gắn bó quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngược lại, “truyền thống hóa được yếu tố hiện đại” có nghĩa là mọi hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa mới nói chung, các sản phẩm văn hóa và loại hình dịch vụ văn hóa nói riêng, mang được hơi thở thời đại, tiếp cận được yếu tố tiến bộ, thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới, nhưng vẫn thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc, không bị lai căng, dập khuôn một cách máy móc mô hình từ nước ngoài. Các giá trị di sản văn hóa phải được bảo vệ và phát huy, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; không bao giờ chỉ đơn thuần vì mục tiêu phát triển kinh tế mà hy sinh hoặc làm phương hại tới kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và quốc tế hóa về văn hóa một mặt cũng tạo ra những cơ hội và điều kiện cho hoạt động bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi nước, song cũng nảy sinh nhiều nguy cơ hủy hoại các giá trị văn hóa truyền thống và đe dọa sự tồn vong của các di sản văn hóa. Ở đây, phải thấy cả hai mặt: mặt thuận lợi là có thêm các điều kiện, kiến thức, thông tin, cơ hội giao lưu học hỏi và tiếp nhận nguồn trợ lực từ

quốc tế. Nhưng cũng có những thách thức đang đặt ra hết sức quyết liệt. Làm thế nào để vừa bảo vệ các di sản văn hóa vừa phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với thế giới? Làm thế nào để giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, kinh tế và văn hóa, quốc gia và quốc tế? Đó là những câu hỏi, những thách thức đòi hỏi chúng ta phải giải quyết đúng đắn, phải vững vàng vượt qua. Mặt khác, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang đứng trước những thử thách dữ dội của cơ chế thị trường và sự lựa chọn vô cùng gay gắt giữa nhiệm vụ bảo tồn và yêu cầu phát triển; giữa ưu tiên cho phát triển kinh tế, thương mại, du lịch hay ưu tiên cho văn hóa, nghệ thuật. Xét về tổng thể, không có cái bảo tồn cứng nhắc nói chung, vì nếu như vậy thì làm sao nhân loại có thể phát triển tiến lên như ngày hôm nay. Thế hệ sau nhất định có sự tiếp nối, điều chỉnh, nhưng cũng không phải là thay đổi, phá dỡ mọi cái cũ để làm mới.

Những giá trị bền vững của di sản văn hóa chỉ thực sự hấp dẫn và trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, hay tiềm năng du lịch bền vững, nếu chúng ta biết phát huy những giá trị đích thực, những thế mạnh, mà không bị lôi cuốn vào xu thế thương mại hóa đơn thuần; đồng thời phải có cách tiếp cận mới - vừa tập trung vào diện mạo của di sản văn hóa, kể cả vật thể và phi vật thể, vừa bảo vệ cảnh quan môi trường trên nền tảng một quy hoạch phát triển chung của toàn xã hội. Đó mới là biện pháp bảo đảm sự tồn tại cho chính di sản văn hóa, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ di sản văn hóa trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Bởi vậy, di sản văn hóa cần được bảo vệ và phát huy bằng sức mạnh và trách nhiệm của từng người dân, của cộng đồng, của cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp; bằng các hoạt động quản lý và nghiệp vụ, bằng cơ chế, chính sách tương ứng và trên hết là bằng pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về di sản văn hóa việt nam hiện nay (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)