Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn, khuyến khích các hoạt động bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa. Nhờ vậy, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được củng cố, từng bước mở rộng và hoàn thiện, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể theo số liệu của Cục Di sản Văn hóa đến hết năm 2016 như sau:
* Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích:
- Gần 4 vạn đối tượng có tiêu chí là di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh hiện còn, được phân bố trên khắp các vùng miền trong nước, trong đó có 3.329 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 72 di tích quốc gia đặc biệt và 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
- Việc lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế- kỹ thuật và thi công tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo quy định của Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó chất lượng của hoạt động tu bổ di tích từng bước được nâng cao, vi phạm trong công tác tu bổ di tích đã giảm và hầu như không còn để xảy ra những vi phạm lớn; công tác đào tạo được chú trọng thông qua việc mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho đối tượng là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (Tính đến hết quý III năm 2015, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức được 14 khóa học với 570 học viên; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức 10 khóa học với 553 học viên; Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức được 03 khóa học với sự tham gia của khoảng 160 học viên); cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho 719 cá nhân và Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho 131 tổ chức; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng được đẩy mạnh...
- Đối với việc lập quy hoạch khảo cổ đến nay đã có 05 tỉnh/thành phố triển khai, cụ thể: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
- Trong giai đoạn 2011-2015, theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư vốn cho hoạt động tu bổ, tôn tạo 1.302 lượt di tích với tổng kinh phí là 1.436.844 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách sự nghiệp hỗ trợ 893 di tích với tổng kinh phí là: 402.992 tỷ đồng; từ nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ 409 di tích với tổng kinh phí là 1.033.852 tỷ đồng. Công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích cũng đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội, tương đương với nguồn đầu tư của nhà nước. Các di tích sau khi tu bổ, tôn tạo đã được chính quyền các cấp cùng với cộng đồng nơi có di tích quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch, tương đối hoàn chỉnh, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
* Hoạt động bảo tàng:
- Hệ thống bảo tàng Việt Nam tiếp tục được mở rộng với 154 bảo tàng (gồm 123 bảo tàng công lập, 31 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong giai đoạn 2011-2015 có: 03 bảo tàng được xếp hạng I; 08 bảo tàng được xếp hạng II; 05 bảo tàng được khánh thành; 05 bảo tàng được thành lập mới; 18 bảo tàng ngoài công lập được cấp phép hoạt động.
- Hệ thống bảo tàng Việt Nam tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, theo hướng tăng cường hiện vật gốc và ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng; xây dựng các phòng giáo dục và chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh phổ thông; chủ động kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường xuyên các cuộc trưng bày chuyên đề; kết hợp với việc trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng. Thông
qua công tác trưng bày và tuyên truyền giáo dục, hệ thống bảo tàng ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa của đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng.
* Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
- Qua công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được triển khai trên phạm vi toàn quốc, hiện đã thống kê được 59.297 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, 02 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp và 06 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, 202 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, qua đó họ đã ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động này để nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần cho chính mình. Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, cũng như việc triển khai các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương tiếp tục được quan tâm thực hiện qua đó góp phần ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều hoạt động, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được triển khai dưới hình thức xã hội hóa, huy động được tiềm năng trí tuệ, nguồn nhân lực cũng như vật chất và tài chính của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế đóng góp, tham gia.
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghị định số 109/2015/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh
khó khăn. Năm 2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng cho 17 cá nhân.
* Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa:
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được nhiều kết quả tích cực qua đó góp phần tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm không ngừng quảng bá về đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã chính thức là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong việc sử dụng, khai thác di tích vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội còn chưa được gắn kết chặt chẽ với các dự án bảo tồn di tích; việc triển khai Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 còn chậm, nhiều bảo tàng còn chưa đổi mới nội dung và hình thức hoạt động nên kém hấp dẫn; hoạt động của tổ chức bộ máy bảo vệ di sản văn hóa còn có sự lúng túng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa; năng lực, kinh nghiệm và hệ thống thực thi pháp luật còn hạn chế; pháp luật về di sản văn hóa vẫn còn những quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Đất nước ta đang trong bối cảnh hội nhập và phát triển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Nhờ đó, ngân sách Nhà nước và đời sống của toàn xã hội ngày càng được nâng cao, chúng ta càng có thêm nhiều nguồn lực để bảo vệ di sản văn hóa. Nhưng đồng thời, di sản văn hóa cũng dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, đó là: quá trình toàn cầu hóa và việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc cùng với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, sự phá bỏ hoặc xa rời các giá trị truyền thống, sự bất bình đẳng trong việc giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo
tồn và phát triển mà thông thường là sự thắng thế của những ưu tiên cho sự phát triển kinh tế, thương mại… Do đó, việc tăng cường hiệu lực của Luật di sản văn hóa có những tác động to lớn tới những vấn đề cốt lõi, cơ bản bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước ta. Luật di sản văn hóa đã tạo nên những tác động xã hội to lớn tới nhận thức của toàn xã hội, sự quan tâm đối với di sản văn hóa là một xu hướng chung của toàn xã hội ngày càng được khẳng định.