Luật di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung tại một số điều của Luật di sản văn hóa đã phản ánh một bước chuyển biến rõ rệt, tích cực về nhận thức và quyết tâm của toàn xã hội trên hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, được thể hiện cụ thể qua việc tạo lập một hành lang pháp luật rộng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trên lĩnh vực này phát triển. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật vừa đảm bảo sự tiếp cận những nhận thức mới về khoa học bảo tồn di sản văn hóa của quốc tế và tuân thủ những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đảm bảo tính khả thi cao của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa trong thực tiễn đời sống từ khi Luật có hiệu lực đến nay.
Qua hơn 8 năm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực:
Ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân được nâng cao; Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích ngày càng đi vào nề nếp; Hệ thống bảo tàng đã có nhiều đổi mới, tiếp cận xu thế phát triển của bảo tàng thế giới;
Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được triển khai trên phạm vi toàn quốc, góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ mai một, thất truyền đối với nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị.
Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được thể hiện cụ thể qua việc tạo lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trên lĩnh vực này phát triển. Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về:
Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam (trong đó có việc bảo vệ tiếng nói và chữ viết của các dân tộc);
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và chủ sở hữu đối với di sản văn hóa, những việc được làm, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia rộng rãi vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đảm bảo sự tiếp cận những nhận thức mới về khoa học bảo tồn di sản văn hóa của quốc tế và tuân thủ những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.