Năng lực quản lý nhà nước về di sản văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về di sản văn hóa việt nam hiện nay (Trang 32 - 36)

* Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.

* Quản lý nhà nước về văn hóa là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động văn hóa của quốc gia bằng quyền lực của nhà nước thông qua Hiến pháp, pháp luật và cơ chế, chính sách, kế hoạch... Quản lý nhà nước về văn hóa nhằm giữ gìn, xây dựng và đảm bảo sự phát triển của nền văn hóa dân tộc; tạo thành các giá trị văn hóa mới và quản lý con người để phát triển văn hóa theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời, đảm bảo quyền tự do dân chủ trong hoạt động và sáng tạo văn hóa; xác lập vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển của dân tộc.

* Các hoạt động quản lý nhà nước về văn hoá bao gồm:

- Quản lý nhà nước đối với di sản văn hoá; - Quản lý nhà nước đối với văn hoá nghệ thuật; - Quản lý nhà nước đối với văn hoá - xã hội.

* Quản lý nhà nước về di sản văn hóa: là sự chấp hành, điều hành của Nhà nước bằng các phương thức, công cụ quản lý, như: pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch...tác động vào đối tượng quản lý để định hướng, điều chỉnh những hoạt động của xã hội về lĩnh vực di sản văn hóa đi theo đúng hướng, đúng mục đích, theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

* Năng lực quản lý nhà nước về di sản văn hóa thể hiện ở việc thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và ban hành, tổ chức thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về di tích lịch sử - văn hóa.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa trước hết phải gắn với việc xây dựng hệ thống thể chế - là tổng hợp các phương pháp và cách thức thực hiện việc quản lý nhà nước. Bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý văn hóa ban hành nhằm điều chỉnh về các mặt tổ chức và hoạt động, chế độ công vụ, tài chính, nhân sự liên quan; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực của bộ mày hành chính nhà nước.

Trong thực tế, việc hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, các văn bản pháp luật về văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn thiếu hoặc chưa đủ sức bao quát được mọi lĩnh vực trong hoạt động văn hóa. Hoạch định chính sách phải dựa trên cơ sở mối tương quan giữa ba thành phần chính cùng tham gia và chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách cụ thể, như: chủ thể quyết định chính sách là nhà lãnh đạo và quản lý; người thực hiện chính sách là những người hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa và người bị chính sách tác động là các tầng lớp nhân dân cũng như tiềm năng của lĩnh vực. Cơ chế thực hiện chính sách yêu cầu thông tin hóa trong quản lý nhà nước bao gồm quá trình tiếp nhận thông tin, năng lực đánh giá, sử dụng thông tin và khả năng điều khiển thông tin; kế hoạch hóa, xây dựng chiến lược phát triển trong những thời kỳ khác nhau; xây dựng những chương trình với những yêu cầu xác định mục tiêu của chương trình văn hóa, chọn các hướng ưu tiên để đạt được mục tiêu, xác định nguồn lực cần huy động và có thể huy động được, xác định cơ chế điều hành tối ưu đối với chương trình mục tiêu đó...

Thứ hai, tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Việc tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa là việc làm quan trọng, cần thiết không chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, tìm kiếm phát hiện thêm những giá trị vẫn còn tiềm ẩn trong di sản văn hóa, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế.

Tổ chức bộ máy quản lý di sản văn hóa không chỉ nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay mà còn góp phần tạo tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện những kiến nghị khác về chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, tăng cường mối quan hệ đặc biệt là quản lý chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban, ngành chức năng, chính quyền các cấp, phân cấp trong quản lý di sản văn hóa sẽ phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa là một nội dung mang tính khoa học, đảm bảo tính chuyên môn cao; do đó, đòi hỏi cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực thực sự mới đủ khả năng để nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích theo đúng khoa học chuyên ngành. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng về chuyên môn – nghiệp vụ. Quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa là việc làm thường xuyên, quan trọng; ngoài đào tạo chuyên môn đặc thù, phải được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về Luật di sản văn hóa, các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với di sản văn hóa.

Thứ ba, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

Nguồn lực là yếu tố rất cơ bản, quyết định khả năng thực hiện chương trình bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là huy động các nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa.

Có 03 nguồn lực chủ yếu: Kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp; Kinh phí

từ phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, trong đó có kinh phí do người dân đóng góp, ngoài ra còn có thể huy động từ các tổ chức

doanh nghiệp. Hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, như tổ chức UNESCO cho

các di tích vinh danh...; Nguồn thu từ hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa (vé vào tham quan di tích, công đức).

Thứ tư, Thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước; tổ chức khen thưởng, kỷ luật trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là một hoạt động có vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói riêng, văn hoá nói chung. Bởi vì, văn hoá có tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Trong xu hướng xã hội hoá văn hoá hiện nay, các tác động tiêu cực nảy sinh ngày càng nhiều; vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần phải được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc, có kế hoạch, phối hợp tổ chức hoạt động một cách chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị khác. Như vậy, mới có khả năng thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ mà công tác quản lý nhà nước về văn hoá đã đề ra.

Muốn phát huy được giá trị của các di sản văn hóa trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo giữ gìn, phát huy những nhân tố tích cực của lịch sử, văn hóa truyền thống thấm sâu vào lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, để kinh tế xã hội có những bước phát triển

bền vững thì quản lý nhà nước cần phải có những chính sách và giải pháp đúng đắn cùng với sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Nhận thức rõ vai trò quan trọng này Luật Di sản văn hoá do Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật DSVH ban hành năm 2009 đã luật định nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về di sản văn hóa việt nam hiện nay (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)