Trải mấy nghìn năm lịch sử, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đã luôn cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình đó, mỗi dân tộc đều sáng tạo và gìn giữ được những kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của riêng mình, từ đó tạo nên sự đa dạng văn hóa của cả quốc gia - dân tộc Việt Nam. Vì vậy, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, là sự chung đúc đồng thời biểu hiện rực rỡ nhất truyền thống yêu nước nồng nàn, cần cù, lao động sáng tạo và tâm hồn, trí tuệ của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa đó cũng chính là sự kết tinh và biểu hiện hết sức sinh động bản sắc văn hóa Việt Nam.
2.1.1.1 Khái quát về hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh
Việt Nam, mảnh đất của di tích, từ miền núi tới hải đảo, đâu đâu cũng có di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hàng vạn di tích là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch bền vững. Có thể khái quát về hệ thống di tích của Việt Nam là: số lượng di tích rất lớn, đa dạng về loại hình và có giá trị to lớn về nhiều mặt.
Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các di tích Việt Nam được phân thành 4 loại cơ bản là: di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Tổng hợp từ kết quả kiểm kê kê di tích của các địa phương theo số liệu của Cục Di sản văn hóa đến hết năm 2016 : trên cả nước hiện có gần 4 vạn đối tượng có tiêu chí là di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh, được phân bố trên khắp các vùng miền trong
nước, trong đó có 72 di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích quốc gia, 9.857 di tích cấp tỉnh, thành phố, nhiều công trình, địa điểm có giá trị tiêu biểu về văn hóa, khoa học, lịch sử đã được đặt dưới sự bảo vệ của pháp luật. Đặc biệt, 8 di tích và danh lam thắng cảnh tiêu biểu, mang giá trị độc đáo và nổi bật toàn cầu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, gồm: Quần thể di tích Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Khu Phố cổ Hội An (1999), Khu di tích Chăm Mỹ Sơn (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011), Quần thể danh thắng Tràng An (2014). Các di sản văn hóa và và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh đều đạt hai tiêu chuẩn độc đáo, nổi bật toàn cầu theo quy định tại Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Ngoài các di sản nêu trên, Việt Nam đã có 08 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới : Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn quốc gia Cát Tiên, Quần đảo Cát Bà, Châu thổ sông Hồng, Ven biển và biển đảo Kiên Giang, Miền Tây Nghệ An, Mĩu Cà Mau, Cù Lao Chàm. Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên đại chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên đại chất Toàn cầu.
Nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di tích ngày càng được nâng cao. Bảo vệ di tích, phát huy giá trị của di tích phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Hàng ngàn lượt di tích được xếp hạng, tu bổ trong những năm qua thể hiện những nỗ lực to lớn của toàn xã hội trong việc chăm lo và bảo vệ di tích. Về cơ bản, hệ thống di tích của đất nước ta đã được tu bổ, tôn tạo đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, do trải qua hàng chục năm chiến tranh, chúng ta chưa thực sự có nhiều
điều kiện để đầu tư, nên đến nay, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều di tích bị vi phạm, lấn chiếm chưa được giải tỏa. Nhiều di tích đang ở trong tình trạng xuống cấp nhưng hiện nay hầu như chưa có di tích nào được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng, từ nội thất tới ngoại thất. Bên cạnh đó, chất lượng tu bổ di tích, nhất là những hạng mục được thi công bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp, còn chưa đạt yêu cầu về chuyên môn. Tăng cường quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, nghệ nhân, công nhân... phục vụ tu bổ di tích là vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay.
2.1.1.2. Khái quát về mạng lưới Bảo tàng
Các bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời vào đầu thế kỷ XX cùng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, đến nay, ở Việt Nam đã hình thành một hệ thống Bảo tàng. Từ năm 1986, cùng với quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, nhiều bảo tàng mới ra đời hoặc được nâng cấp với sự đầu tư lớn của nhà nước như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa đến hết năm năm 2016, ở Việt Nam đã hình thành một mạng lưới với 154 bảo tàng (gồm 123 bảo tàng công lập và 31 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật là các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quý hiếm. Bảo tàng đã thực hiện tốt chức năng giáo dục khoa học, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể và đã cung cấp những tri thức khoa học, góp phần nâng cao dân trí. Trong số bảo tàng hiện có, nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh mới được xây dựng trong những năm gần đây đã làm thay đổi diện mạo thiết chế văn hóa ở địa phương và đang dần trở thành trung tâm văn hóa - du lịch có sức hấp dẫn.
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Theo số liệu của cục Di sản Văn hóa tổng hợp từ các báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đến hết năm 2016, trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, hiện chúng ta đã thống kê được 59.297 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 202 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia qua 17 đợt công bố. Đến nay, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, gồm: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam - Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003), được đổi thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008); Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (2005), được đổi thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008); Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2009); Hát Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (2009); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2010); Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (2011); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013); Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh (2014); Kéo co và tín ngưỡng thờ Tam Phủ Việt Nam (2016).
UNESCO cũng đã ghi danh 06 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn (2009); Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Hà Nội (2010); Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Châu bản triều Nguyễn (2014); Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản trường Phúc Giang ( 2016).
Hơn 40 năm qua, bằng nguồn kinh phí tự lập, có sự hỗ trợ của chính phủ và các Quỹ phi chính phủ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã triển khai được 4.000 công trình nghiên cứu khoa học và sưu tầm về văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu đã giúp phục hồi được các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc mất hẳn.
Ngày 05 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1211/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 nhằm nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa. Trong Chương trình này, mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đảm bảo việc giới thiệu, quảng bá và phát huy di sản văn hóa để khai thác phục vụ du lịch văn hóa.